BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Điều trị thoát vị đĩa đệm bằng YHCT

Đăng bởi Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 22/12/2022 | 0 bình luận

Thoát vị đĩa đệm (TVĐĐ) cột sống thắt lưng (CSTL) là bệnh lý thường gặp và đang có xu hướng gia tăng, gặp nhiều ở Việt Nam cũng như trên thế giới. Căn bệnh này luôn là một vấn đề thời sự vì đây là nguyên nhân phổ biến gây ra đau cột sống kèm theo các triệu chứng thần kinh tương ứng, làm ảnh hưởng lớn đến khả năng lao động và chất lượng cuộc sống của người bệnh. Theo các trung tâm nghiên cứu và thống kê ở châu Âu và Mỹ thì có tới 70% dân số trong đời có ít nhất một lần đau thắt lưng. Theo thông báo của hội cột sống họ Hoa Kỳ năm 2005 bệnh TVĐĐ chiếm 2-3% dân số, thường gặp ở độ tuổi 30-50, nam mắc nhiều hơn nữ. Ở Việt Nam, theo báo cáo của Nguyễn Thị Ngọc Lan (2010 ) thực hiện nghiên cứu trên cộng đồng tại một số quận, huyện ở Hà nội thì tỉ lệ TVĐĐ trong dân số là 0.64% với cột sống thắt lưng và 0.03% với cột sống cổ.

Trong đông y, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng thuộc phạm vi “chứng tý” với các bệnh danh như : yêu thống, yêu cước thống, tọa cốt phong....Từ rất sớm, YHCT đã có những luận bàn về bệnh thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng. Ví như trong sách “Nội kinh - thích yêu thống luận” có viết: “Nhục lí chi mạch lệnh nhân yêu thống, bất khả dĩ khái, khái tắc cân thúc cấp” (mạch lạc trong cơ bắp bế tắc làm cho đau lưng, không thể ho, nếu ho thì cơ nhục co rút gây đau). Trong “Linh khu - kinh mạch” có viết: “Hạng tự bạt, tích thống, yêu tự chiết, bễ bất khả khúc, quắc như kết, xuyễn như liệt, thị vi hoà quyết”, (cột sống lưng như nhô ra, xương đau, lưng thì cứng, đùi không thể co lại, kheo chân như kết lại). Sách “Y học tâm ngộ” có viết: “yêu thống câu cấp, khiên dẫn thoái túc” (thắt lưng đau cứng, lan xuống đến chân)… Những y thư này đều mô tả về yêu thống(đau lưng), yêu thoái thống(đau lưng - đùi), yêu cước thống (đau lưng - chân), yêu cước toan đông (đau lưng - chân đau nhức), toạ cốt phong, là những chứng bệnh tương đồng với bệnh thoát vị đĩa đêm cột sống thắt lưng.

1. Bệnh nguyên bệnh cơ:

Theo đông y, TVĐĐ-CSTL là do cảm phải ngoại tà, tổn thương do sang chấn dẫn đến kinh mạch trở trệ, khí huyết vận hành không thông suốt, bất thông tắc thống. Thắt lưng là phủ của thận, bệnh ở thắt lưng là do thận, bệnh phát sinh vốn do cơ thể suy nhược, can thận bất túc, khí huyết khuy tổn, bệnh kéo dài nhiều ngày, có thể dẫn đến tàn phế chi dưới.

Theo lý luận kinh lạc thì do kinh lạc thất dưỡng, như sau khi ngã chấn thương vùng lưng làm tổn thương kinh lạc hoặc cảm nhiễm ngoại tà, tà khí ứ trệ kinh lạc dẫn đến yêu thống... Đốc mạch tuần hành chính giữa lưng dọc theo cột sống, “hiệp tích để đạt yêu trung, tuân lữ thuộc thận” (tức là mạch đốc chạy dọc theo cột sống đến thắt lưng và vào thận), có quan hệ mật thiết với thận và lưng. Đồng thời, đốc mạch thống soái dương khí toàn thân, dương khí toàn thân hư suy hoặc cảm ngoại tà đều liên lụy đến đốc mạch và sự hư suy của đốc mạch cũng sẽ ảnh hưởng đến dương mạch toàn thân. Trong sáu dương mạch, túc tam dương kinh mạch khởi phát từ phía trên cơ thể đi xuống phía dưới, tuần hành theo lưng và bụng. Trong đó kinh đởm đi hai bên sườn, kinh bàng quang đi xuống ở lưng, hai đường kinh đều là dương mạch vừa có quan hệ mật thiết với thắt lưng, cho nên càng dễ chịu tổn thương. Bàng quang với thận, can có liên quan biểu lý, can thận bất túc, bệnh ở hai kinh này tất sẽ ảnh hưởng đến kinh đởm và kinh bàng quang. Kinh đởm “cơ quan bất lợi, bất lợi giả, yêu bất khả dĩ hành” tức là kinh đởm bị bệnh thì thắt lưng vận động khó khăn, kinh bàng quang “ túc thái dương chi ngược, lệnh nhân yêu thống” tức là kinh bàng quang bệnh sẽ dẫn đến đau lưng. Do đó bệnh có liên quan mật thết với đốc mạch, kinh đởm và kinh bàng quang.

 

 

Biện chứng theo hư thực, đốc mạch là bể của dương mạch, khí huyết hư suy, dương khí không mạnh, phong hàn tà khí làm tổn thương dương khí cho nên đốc mạch dễ hư không thực. Đởm kinh, bàng quang kinh là đường tuần hành của khí, ngoại tà lưu trệ hoặc sang thương dễ dẫn đến tổn thương kinh mạch, khí huyết lưu thông không lợi là thực không hư.

Cho nên, thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng theo biện chứng kinh lạc là chứng “bản hư tiêu thực”. Nếu đốc mạch dương khí hư suy là chủ thì thấy toàn thân mệt mỏi, thắt lưng vô lực sợ lạnh, thích ấm thiện án, hai chân lạnh, đau tê mỏi… Nếu đởm kinh, bàng quang kinh cảm tà khí, khi huyết lưu thông không lợi, thì hay thấy lưng đau kịch liệt, co cứng, đau nhức chi dưới, vận động khó khăn…

2. Điều trị:

Theo YHCT thoát vị đĩa đệm do nhiều nguyên nhân phức tạp gây nên, do đó trong điều trị dùng nhiều phương pháp khác nhau, có thể đơn phương hoặc phối hợp để điều trị. Các phương pháp trong đông y thường dùng như: phương pháp dùng thuốc (uống trong và dùng ngoài), châm cứu liệu pháp, xoa bóp bấm huyệt liệu pháp, cấy chỉ catgut…

2.1. Phương pháp dùng thuốc:

Đông y chia TVĐĐ - CSTL làm 3 thể:

Thể khí trệ huyết ứ:

- Triệu chứng: Thắt lưng và chân đau như kim châm, đau ở một vị trí cố định, cự án, cơ thắt lưng co cứng, vận động khó khăn. Lưỡi tía hoặc có điểm ứ huyết, mạch huyền khẩn hoặc sáp

- Trị pháp: Hoạt huyết hóa ứ, hành khí chỉ thống.

- Phương dược: Thân thống trục ứ thang gia giảm

Thành phần: tần giao 9g, xuyên khung 9g, đào nhân 6g, hồng hoa 6g, cam thảo 3g, khương hoạt 9g, một dược 9g, hương phụ 9g, ngũ linh chi 9g, ngưu tất 9g, địa long 9g, đương quy 9g.

Nếu đau dữ dội gia diên hồ sách, tửu đại hoàng mỗi vị 10g.

Nếu sau sang chấn, lưng đau dữ dội, không thể vận động được, cột sống lệch một bên, có thể gia ngô công, toàn yết hiệu quả sẽ cao hơn.

. Thể hàn thấp.

- Triệu chứng: thắt lưng và chân đau, cảm giác nặng, vận động khó khăn, nằm nghỉ đau không giảm, gặp lạnh hoặc mưa đau tăng, chân tay lạnh, chất lưỡi nhợt, rêu trắng dính, mạch trầm khẩn.

- Trị pháp: Khu phong tán hàn, kiêm hóa thấp.

- Phương dược: Độc hoạt tang ký sinh thang gia giảm.

Thành phần: độc hoạt 6g, tang ký sinh 18g, tần giao 12g, phòng phong 6g, tế tân 3g, đương quy 12g, bạch thược 12g, xuyên khung 6g, thục địa 15g, đỗ trọng 12g, ngưu tất 6g, đảng sâm 12g, phục linh 12g, cam thảo 3g.

. Thể can thận hư tổn.

Gặp trong trường hợp cơ thể suy nhược, hoặc bệnh mạn tính kéo dài làm can thận tinh huyết hư tổn, không thể tư dưỡng kinh mạch dẫn đến lưng chân đau nhức, mệt mỏi vô lực, kéo dài nhiều năm, lúc nặng lúc nhẹ.

- Triệu chứng: Thắt lưng đau nhức mỏi, chân yếu, nằm nghỉ đỡ đau. Nếu thiên dương suy chân tay lạnh, sợ lạnh, sắc mặt bạch, thở ngắn ngại nói, tiểu tiện trong dài, lưỡi nhợt, mạch trầm trì. Nếu thêm âm hư hay gặp đau đầu chóng mặt, tai ù, miệng họng khô khát, sắc mặt hồng, mệt mỏi, tâm phiền mất ngủ, mơ mông nhiều, lưỡi hồng ít rêu, mạch huyền tế sác.

- Trị pháp: Bổ ích can thận,

- Phương dược:

Nếu dương hư dùng Hữu quy ẩm gia giảm. Thành phần: thục địa 24g, sơn thù 9g, kỷ tử 12g, hoài sơn 12g, đỗ trong 12g, phụ tử 6g, nhục quế 6g, thỏ ty tử 12g, lộc giác giao 12g, đương quy 9g.

Nếu âm hư dùng bài Tả quy ẩm gia giảm. Thành phần: thục địa 24g, sơn thù 12g, ngưu tất 9g, thỏ ty tử 12g, kỷ tử 12g, hoài sơn 12g, miết giáp 12g, lộc giác giao 12g.

5. Xoa bóp bấm huyệt điều trị thoát vị đĩa đệm 

Tiến hành thực hiện kỹ thuật xoa bóp theo các bước sau:

* Bước 1: Thực hiện động tác xoa xát vùng thắt lưng, hông chân bên đau.

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên dùng gốc gan bàn tay, mô ngón tay út hoặc mô ngón tay cái xoa xát lên da, theo hướng thẳng (đi lên, đi xuống hoặc sang phải, sang trái). Tay của thầy thuốc di chuyển trên da người bệnh. Thực hiện hết vùng thắt lưng xuống đến hông và chân bên đau.

Kỹ thuật viên có thể dùng dầu, bột tan (tale) để làm trơn da.

* Bước 2: Thực hiện động tác miết.

- Miết vùng thắt lưng:

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng bên sườn bệnh nhân, tay trái đặt và giữ vùng xương cùng cụt bệnh nhân, bàn tay ngón tay phải duỗi thẳng, dùng lực của gốc bàn tay, khớp khuỷu co duỗi miết dọc theo cột sống thắt lưng theo đường đi của kinh túc thái đương bàng quang từ trên xuống dưới khoảng 10-15 lần. Thao tác yêu cầu lúc đầu nhẹ sau đó lực tác động mạnh dần, trầm hoãn hữu lực, thực hiện bên lành trước bên bệnh sau.

Thủ pháp miết ngang thắt lưng: Bệnh nhân nằm sấp, bộc lộ vùng thắt lưng. kỹ thuật viên đứng một bên, cổ tay thẳng, dùng cơ mô út thực hiện động tác miết ngang cột sống thắt lưng lặp đi lặp lại nhiều lần, dùng lực vừa phải sao cho da tạo thành nếp nhăn, tần số khoảng 100 lần /phút.

- Miết huyệt giáp tích:

Để bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng một bên, hai ngón cái chồng lên nhau, hố khẩu mở rộng, thực hiện động tác day huyệt giáp tích dọc theo cột sống, cách cột sống 0,5 thốn, thực hiện trong khoảng một phút, trường hợp cơ thắt lưng co cứng, có thể kéo dài thời gian thao tác.

- Miết cơ thắt lưng:

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng bên cạnh, thực hiện động tác miết hướng từ trên xuống dưới vùng cơ thắt lưng hai bên, tương ứng với các huyệt trên đường đi của kinh túc thái dương bàng quang. Thời gian thao tác khoảng hai phút.

- Miết vùng hông:

Bệnh nhân nằm sấp, một chân dạng và xoay ra ngoài, gối hơi gấp, đặt lên gót chân còn lại. Kỹ thuật viên đứng một bên, thực hiện động tác miết vùng cơ mông trong khoảng thời gian một phút.

- Miết vùng đùi:

Thực hiện tiếp khi day vùng hông, kỹ thuật viên thực hiện động tác day vùng sau ngoài đùi theo đường đi của túc kinh thái dương đởm.

- Thủ pháp miết mặt sau cẳng chân:

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng cạnh, hai ngón tay cái chồng lên nhau, thực hiện động tác miết mặt sau cẳng chân, bắt đầu từ huyệt ủy trung theo đường đi kinh túc thái dương bàng quang xuống đến gân gót trong khoảng 1 phút.

* Bước 3: Thủ pháp lăn.

- Thao tác lăn vùng thắt lưng:

Để bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng một bên khớp vai thả lỏng khớp khuỷu hơi gấp khoảng 140­­0, bàn ngón tay để cong tự nhiên, mu tay hơi cong, khi thao tác đặt tay cơ mô út tiếp xúc với da bệnh nhân, dùng lực cẳng tay để xoay cổ bàn tay và dần dần tiến về phía trước, sao cho mu bàn tay lăn trên lưng bệnh nhân, đến xương bàn ngón 2-3. Tiếp tục làm như trên theo hướng ngược lại, tần số thực hiện khoảng 120 – 160 lần/phút, trong 5-8 phút.

Khi thực hiện được một nửa thời gian, nửa thời gian sau có thể phối hợp thực hiện động tác vận động bị động. Một tay thực hiện động tác lăn, tay còn lại nâng chân bệnh nhân lên cao một cách từ từ, làm cho thắt lưng duỗi ra , khởi đầu với biên độ nhỏ, sau tăng dần đến khi bệnh nhân bắt đầu có cảm giác đau.

- Thao tác lăn vùng mông:

Để bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng một bên, thực hiện động tác lăn từ 3-5 phút, nửa sau quá trình thao tác thực hiện động tác vận động bị động chi dưới giống thao tác lăn vùn thắt lưng.

- Thao tác lăn ở chi dưới:

Để bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng một bên thực hiện thao tác lăn ở mặt sau và mặt ngoài hai chân.

* Bước 4: Thủ pháp chặt:

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên dùng một hoặc cả hai bàn tay áp sát nhau, các ngón tay xòe hoặc áp sát nhau, vận động cổ tay mềm mại, theo chiều vận động ngang của bàn tay để cho mặt ngoài ngón tay út hoặc ô mô út chặt lên da thịt người bệnh, khi chặt thường phát ra tiếng kêu của bàn tay.

Thực hiện động tác từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài, bên lành trước bên đau sau, thực hiện xong vùng thắt lưng xong mới thực hiện xuống hông và chân hai bên.

* Bước 5: Day vùng thắt lưng, chủ yếu day cơ thắt lưng hai bên.

Bệnh nhân nắm sấp, kỹ thuật viên đứng bên cạnh, cổ tay hơi duỗi, các ngon tay cong tự nhiên, gốc bàn tay tiếp xúc với da bệnh nhân, dùng lực và vận động xoay của cẳng tay thực hiện động tác day di động theo đường tròn thuận chiều kim đồng hồ, Tay và da người bệnh như dính vào nhau, làm cho da người bệnh di chuyển theo tay kỹ thuật viên. Tần số khoảng 120-160 lần/ phút trong khoảng 2 phút.

Thực hiện động tác dọc theo cơ thắt lưng hai bên, theo hướng từ trên xuống dưới, từ trong ra ngoài và bên không đau trước bên đau sau.

* Bước 6:

Thực hiện động tác day và ấn các huyệt theo trình tự : Thận du, đại trường du, giáp tích, hoàn khiêu, thừa phù, thừa sơn, côn lôn, dũng tuyền.

- Ấn, day các huyệt vùng thắt lưng:

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng bên, kỹ thuật viên dùng khuỷu tay hoặc ngón tay cái (tùy thuộc vào thể trạng của bệnh nhân), thực hiện động tác ấn vào vị trí huyệt giáp tích vùng thắt lưng, huyệt đại trường du, thận du. Khi thực hiện động tác ấn kết hợp thực hiện động tác day lên các huyệt trên. Thời gian thực hiện động tác mỗi huyệt khoảng 20-30 giây.

- Dùng khuỷu tay ấn day huyệt hoàn khiêu.

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng cạnh hông, khớp khuỷu hơi gấp, dùng mỏm khuỷu thực hiện động tác ấn huyệt hoàn khiêu nằm ở vị trí 1/3 ngoài và 2/3 trong đường nối điểm cao nhất của mấu chuyển lớn xương đùi và khe xương cùng. Thời gian khoảng 1 phút, bệnh nhân có cảm giác đau tức nặng hoặc lan xuống phía dưới. Khi ấn có thể kết hợp với động tác day.

- Thủ pháp ấn day huyệt thừa phù:

Thực hiện hiện động tác như thủ pháp trên lên huyệt thừa phù, vị trí chính giữa nếp lằn mông, thời gian khoảng 1 phút.

- Thủ pháp bấm ấn day huyệt ủy trung, thừa sơn:

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng bênh cạnh, một tay nắm giữ cổ chân bệnh nhân nâng lên làm khớp gối gấp 900, dùng ngón cái tay còn lại thực hiện động tác bấm, day huyệt ủy trung (nằm giữa nếp gấp khớp gối) và huyệt thừa sơn (ở bắp chân chỗ lõm giữa hai cơ sinh đôi) trong khoảng thời gian 1 phút.

- Ấn, bóp huyệt Côn lôn, Thái khê:

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng ngang mắt cá chân bệnh nhân. Dùng ngón tay cái đặt lên huyệt Côn lôn là điểm chính giữa mắt cá ngoài và gân gót, đốt một và hai ngón tay trỏ đặt lên huyệt Thái khê nằm giữa mắt cá trong và gân gót. Dùng lực của hai ngón cái và ngón trỏ thực hiện động tác ấn bóp hai huyệt vị này.

- Thủ pháp day ấn huyệt Dũng tuyền:

Thực hiện động tác giống thủ thuật trên, lặp đi lặp lại lên huyệt dũng tuyền (vị trí chỗ lõm chính giữa 1/3 trước lòng bàn chân).

* Bước 7: Động tác kéo giãn.

Kéo giãn là phương pháp dùng lực kéo đối kháng, nhằm làm giãn cơ, uốn nắn di lệch vị trí hoặc phối hợp với các thủ pháp khác như nắn, ấn… để nắn chỉnh trong tổn thương gân xương.

- Thao tác: Bệnh nhân nằm sấp, toàn thân thả lỏng, hai tay giữ chặt mép giường, một y sinh đứng ở đầu giường hai tay giữ chặt hai bên nách bệnh nhân, thực hiện động tác kéo về phía trước để cố định nửa người trên của bệnh nhân. Một y sinh khác, đứng phía cuối giường, hai tay nắm chặt cổ chân hai bên của bệnh nhân hoặc hai tay nắm chặt một bên cổ chân bệnh nhân, làm động tác kéo về phía ngược lại, tạo lực đối kháng với y sinh còn lại. Thời gian kéo liên tục khoảng 3-5 phút. Lực kéo phải dựa vào sức khỏe của từng bệnh nhân, trẻ em, người cao tuổi, phụ nữ lực kéo không nên quá mạnh. Ngược lại, thanh niên khỏe mạnh thì phải dùng lực kéo mạnh. Lực kéo phải vừa đủ, nếu lực không đủ, thì kéo dãn không có tác dụng. Nhưng lực kéo quá mạnh, cũng sẽ làm các đốt sống dãn quá mức, gân dây chằng bị tổn thương. Lực kéo phải: từ từ tăng dần, khi kéo lực phải liên tục và duy trì trên một đường thẳng. Động tác có tác dụng làm giãn gân cơ xung quanh cột sống đang co cứng, làm nới rộng khoảng giữa đốt sống.

* Bước 8: Thủ pháp ưỡn cột sống thắt lưng.

Kỹ thuật viên và bệnh nhân đứng dựa lưng vào nhau, khuỷu tay y sinh và bệnh nhân đan vào nhau, y sinh dùng lực cõng bệnh nhân trên lưng.

- Thao tác: khi tiến hành động tác, y sinh cần đứng tư thế tấn, lưng khom, đầu gối gập nhẹ, ưỡn hông lưng, dùng hông đỡ lấy thắt lưng, nâng bênh nhân lên. Sau đó, y sinh làm động tác duỗi gối, ưỡn hông lưng, đồng thời dùng lực hông lắc, dao động thắt lưng bệnh nhân, tần số không quá nhanh, biên độ dao động không quá lớn.

Động tác ưỡn cột sống khi bệnh nhân nằm sấp, y sinh đứng một bên, một tay đặt lên cột sống thắt lưng và ấn xuống, tay còn lại luồn xuống dưới đỡ lấy hai đầu gối bệnh nhân, từ từ nâng lên hết mức có thể. Ngoài ra, nếu bệnh nhân thể trạng béo, thực hiện động tác trên khó khăn, y sinh có thể ngồi lên trên thắt lưng bênh nhân, hai tay giữ hai đầu gối và nâng lên cao hết mức.

- Lâm sàng: phương pháp này làm kéo dãn cột sống thắt lưng và cơ vùng cột sống, do đó mà có tác dụng làm giảm sự co cứng gân cơ, đưa đĩa đệm về vị trí bình thường.

* Bước 9: Thủ pháp vặn.

Kỹ thuật viên dùng hai tay tạo ra lực tương phản hoặc cùng hướng tác động lên cơ thể bệnh nhân.

- Động tác vặn nghiêng cột sống thắt lưng: bệnh nhân nằm nghiêng, chân trên co chân dưới duỗi. Y sinh đứng đối diện bệnh nhân, một tay đặt lên phía trước vai, một tay đặt lên hông vùng gai chậu sau trên, hai tay thực hiện động tác vặn cột sống.

- Động tác xoay cột sống: bênh nhân ở tư thế ngồi, thả lỏng thắt lưng. Lấy động tác xoay bên phải làm ví dụ. Một y sinh giữ cố định hông và chân trái, một y sinh ngồi phía sau bên phải bệnh nhân, đặt bàn tay trái lên ngang thắt lưng, ngón cái đặt lên điểm gồ lên cột sống thắt lưng, tay phải luồn qua nách phải bệnh nhân, vòng lên trên sang phía trái cổ bệnh nhân. Yêu cầu bệnh nhân khom lưng hết cỡ, và xoay người người về bên phải. y sinh thực hiện đồng thời ba động tác sau: ngón tay cái trái y sinh ấn và đẩy cột sống thắt lưng, tay phải xoay nửa trên người bệnh nhân sang phải hết mức, đồng thời nâng cao cánh tay phải.

 

* Bước 10: Động tác vỗ vùng thắt lưng.

Bệnh nhân nằm sấp, kỹ thuật viên đứng bên cạnh, các ngón tay khép chặt, bàn tay khum, khớp cổ tay thả lỏng, thực hiện động tác phát, vỗ vùng thắt lưng.

* Yêu cầu kỹ thuật:

- Thao tác phải chính xác và thuần thục, đảm bảo “đều” “đủ lâu” “đủ lực” “nhu hòa”, cần thực hiện đúng 6 yêu cầu cơ bản của phương pháp xoa bóp bấm huyệt là "Tâm, trí, khí, lực , pháp, hành". Phải tập trung tư tưởng, tránh phân tâm, dồn "Tâm, khí, lực" vào lòng bàn tay, ngón tay. "Thủ tùy tâm chuyển" nghĩa là tay liền với tâm, tâm sáng thì tay khéo. "Pháp tùng thủ xuất" nghĩa là thủ pháp xuất phát từ tay. Sao cho các ngón tay, bàn tay trở lên tinh nhạy, điêu luyện, không cần tốn nhiều sức lực mà vẫn phát huy công lực của thủ pháp, vẫn đạt hiệu quả điều trị. Dùng các đầu ngón tay cảm nhận sự co cứng cơ, dây chằng, sự thay đổi nhiệt độ của tổ chức bị bệnh, sự đáp ứng của cơ thể bệnh nhân dưới tay mà thầy thuốc điều chỉnh thủ pháp của mình. Để đạt được như vậy cần quá trình rèn luyện, học tập, rút kinh nghiệm cả về kỹ thuật lẫn chuyên môn y học.

- Nhìn chung về kỹ thuật, yêu cầu phải nhẹ nhàng, có tác dụng thấm sâu vào da thịt. Lần đầu tiên phải làm nhẹ và ít về thời gian hơn những lần sau. Lúc bắt đầu và khi kết thúc phải làm nhẹ nhàng hơn.

- Trong kỹ thuật xoa bóp bấm huyệt, ngoài việc phải chọn huyệt, xác định huyệt cho chính xác thì yêu cầu thực hiện thao tác đúng kỹ thuật với cường độ và nhịp độ lực tác động phù hợp với tình trạng bệnh, sức khỏe của bệnh nhân là rất quan trọng. Để quyết định điều này, trước hết làm tốt việc thăm khám, chẩn đoán tình trạng bệnh lý, tình trạng hư thực của bệnh nhân.

- Theo YHCT thoát vị đĩa đệm cột sống thắt lưng có quan hệ mật thiết với gân cơ, mà kinh lạc lại đi theo gân cơ. Cho nên trên lâm sàng thường dùng Thái dương bàng quang kinh, Túc thiếu dương đởm kinh để thực hiện các thao tác xoa bóp.

ThS Hoàng Khánh Toàn

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806