Giá trị của Thiền đối với sức khỏe

Đăng bởi Ncs, Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 19/10/2018 | 0 bình luận

Nói một cách đơn giản, thiền là những phương pháp giúp hình thành thói quen tập trung tư tưởng để làm đúng công việc mà chúng ta muốn làm và đang làm. Đặc biệt thiền giúp điều chỉnh lại tình trạng mất cân bằng giữa hưng phấn và ức chế của hệ thần kinh do quá trình sinh hoạt và làm việc căng thẳng gây ra.

Tư thế kiết già (thế hoa sen), đặc biệt thích hợp cho việc ngồi thiền: Ngồi xếp bằng tự nhiên, dùng hai bàn tay nắm bàn chân phải từ từ gấp chân lại và đặt bàn chân lên đùi trái, gót chân ép sát bụng, lòng bàn chân ngửa lên trời. Kế tiếp dùng hai bàn tay nắm bàn chân trái gấp lại, đặt bàn chân trái lên đùi phải, kéo nhẹ gót chân vào sát bụng, bàn chân ngửa lên trời.

Các đạo sư Yoga cho rằng vị thế khóa nhau của hai chân trong tư thế kiết già sẽ tạo sức ép lên hai luân xa ở dưới cùng của cơ thể, khiến dòng năng lượng có khuynh hướng đi lên để nuôi dưỡng các trung tâm lực dọc theo cột sống và kiểm soát toàn bộ hệ thần kinh. Những thí nghiệm khoa học về Yoga cho thấy chỉ cần ngồi tư thế hoa sen, dù ta không cố gắng tập trung tư tưởng, vẫn có một sự thay đổi ở sóng não từ nhịp Beta khoảng 20 chu kỳ mỗi giây xuống nhịp Alpha khoảng 8 chu kỳ mỗi giây. Nhịp Alpha là tình trạng sóng não của một người đang trầm tĩnh và minh mẫn. Điều nầy có nghĩa là tự thân tư thế kiết già đã có công năng làm êm dịu thần kinh chưa kể đến những cố gắng khác của việc ngồi thiền.

Kết quả trên cũng phù hợp với những lý luận của y học cổ truyền khi biết rằng ở thế kiết già, xương mác ở cẳng chân trái đã tạo một sức ép khá mạnh lên đúng vị trí huyệt Tam âm giao ở chân phải (huyệt Tam âm giao ở chỗ lõm bờ sau xương chày, trên mắt cá chân trong khoảng 6cm). Như vậy, trong suốt thời gian ngồi kiết già, huyệt Tam âm giao sẽ được kích thích liên tục. Tam âm giao là huyệt giao hội của 3 đường kinh âm: Tỳ, Can và Thận nên tác động kích thích này sẽ có tác dụng "thông khí trệ", "sơ tiết vùng hạ tiêu" và điều chỉnh những rối loạn nếu có ở những kinh và tạng có liên quan, đặc biệt là tác dụng "Dưỡng âm kiện Tỳ" và "Sơ Can ích Thận" mà các thầy thuốc châm cứu đều biết khi tác động vào huyệt này. Những người có dấu hiệu căng thẳng thần kinh, những bệnh nhân "Âm hư hỏa vượng" hay gặp các cơn bốc hỏa về chiều và những phụ nữ đang ở tuổi mãn kinh sẽ dễ dàng cảm nhận được hiệu quả khi ngồi vào thế kiết già.

Tập trung tâm ý: Đây là giai đoạn chính của buổi hành thiền. Như đã nói ở phần trên, thiền chính là sự tập trung tư tưởng vào một điểm hoặc một đề mục duy nhất để dần dần đạt đến tình trạng trống rỗng, không còn vướng mắc vào bất cứ một ý niệm nào. Để thư giãn thần kinh hoặc để chữa bệnh, chỉ cần duy trì tình trạng tập trung vào điểm hoặc vào đề mục tập trung trong một thời gian nhất định là đủ. Điều quan trọng là nên tập đều đặn hàng ngày, mỗi ngày một hoặc hai lần. Lúc đầu, ngồi khoảng 15 phút mỗi lần, dần dần tăng lên. Sau một thời gian, khi não bộ đã ghi nhận thói quen thiền thì việc ngồi vào tư thế, nhắm mắt, việc đầu lưỡi chạm nhẹ nướu răng trên hoặc ám thị giãn mềm cơ bắp sẽ hình thành nên những phản xạ có điều kiện để đưa người tập vào trạng thái thiền định.

Về điểm để tập trung tư tưởng, một vị trí ở vùng bụng dưới mà nhiều trường phái thường chọn làm điểm tập trung khi ngồi thiền là huyệt Đan điền, cách dưới rốn khoảng 3cm. Nên tập trung vào điểm này vì nhiều lẽ.

Theo y học cổ truyền, "thần đâu khí đó". Do đó, khi tập trung vào một điểm ở vùng dưới cơ thể thì khí và huyết sẽ lưu chuyển về phía dưới, làm nhẹ áp lực ở vùng đầu, dễ dẫn đến nhập tĩnh.

Đan điền còn gọi là Khí hải hay Khí huyệt, ngụ ý là nơi "luyện thuốc", là "bể chứa khí". Đan điền là một huyệt quan trọng trong việc luyện dưỡng sinh của các đạo sĩ, các nhà khí công. Có nhiều trường phái khác nhau và việc tu luyện rất phức tạp. Tuy nhiên, các công phu của đạo gia nói chung và việc phát sinh nội khí để chửa bệnh nói riêng đều dựa vào bí quyết "hồi quang nội thị" hoặc "ngưng thần nhập khí huyệt". Tâm không duyên ra ngoài, hướng đôi mắt vào trong gọi là hồi quang, tập trung thần vào bên trong cơ thể gọi là nội thị. Ngưng thần nhập khí huyệt chính là tập trung tâm ý tại Đan điền để phát sinh nội khí. Lâu dần chân khí được sung mãn sẽ khai thông các kinh lạc bế tắt hoặc bồi bổ cho ngủ tạng để tăng cường sức khoẻ.

Tác dụng của Thiền ?

Tập thiền sẽ thu được những thành quả tinh thần, chúng ta sẽ gặp gỡ bản thân ta, hiểu rõ những điều sâu kín nhất trong con người ta. Sống cuộc sống của ta, tự nhiên, nhưng theo một cách khác, một ý nghĩa khác. Mục đích của thiền không phải là tìm hiểu thế giới mà là để hiểu, để biết chúng ta thật sự là ai, là cái gì, làm những gì trong khoảnh khắc hiện tại.

Tập thiền sẽ giúp đầu óc thảnh thơi, tận hưởng những khoảng thời gian yên tĩnh hiếm hoi để tái tạo nguồn năng lượng. Khi ta biết cách đạt tới trạng thái ổn định về tâm thần, ta có thể dễ dàng chế ngự stress, vượt qua khủng hoảng. Ổn định tinh thần cũng làm tăng cường hệ thống miễn dịch, chia sẻ đau đớn để cơ thể không phải một mình đương đầu với những nỗi đau thể xác.

Tập thiền sẽ tăng cường khả năng làm việc, sáng tạo. Khi tập thiền con người rơi vào trạng thái siêu vô thức nên trực tiếp diễn giải và giải phóng nguồn năng lượng. Như vậy, tập thiền cũng có nghĩa là vệ sinh thân thể, là một trạng thái sống.

Bộ não, như cơ thể, có thể trải qua những thay đổi cực nhỏ trong thiền định sâu. Năm 1967, giáo sư Herbert Benson ở đại học Y Harvard đã tiến hành nghiên cứu trên 36 người thiền định và thấy rằng khi ngồi thiền họ dùng lượng oxy ít hơn bình thường 17%, giảm 3 nhịp tim/phút và tăng sóng theta ở não - hệt như trạng thái trước ngủ - trong khi toàn não vẫn tỉnh táo. Những năm 70, Benson còn chứng minh rằng người ngồi thiền có thể đạt được trạng thái tỉnh táo hơn và hạnh phúc hơn. "Tất cả những gì tôi làm là dùng logic sinh vật học để giải thích thứ kỹ thuật được con người đã dùng hàng nghìn năm nay", Benson nói.

7 năm sau, tiến sĩ tâm thần học Gregg Jacobs, Đại học Harvard, qua ghi sóng não đã phát hiện ra rằng những người thiền có thể sản ra rất nhiều sóng theta và có thể phong tỏa phần não trước vốn nhận và xử lý cảm giác, ngoài ra họ cũng giảm thiểu hoạt động ở phần thùy đỉnh não, nơi phụ trách các cảm giác về không gian - thời gian. Bằng cách "tắt" thùy đỉnh não, người ta có thể mất cảm giác về giới hạn và thấy vũ trụ "trở thành một".

Hơn 10 năm trước, tiến sĩ Dean Ornish đã khẳng định thiền cùng với yoga và ăn kiêng có tác dụng giảm thiểu sự tích tụ các mảng bám ở động mạch vành. Tháng 4/2003, tại đại hội của Hội Tiết niệu Mỹ, ông đã công bố nghiên cứu rằng thiền định có thể làm chậm lại sự phát triển của ung thư tuyến tiền liệt. Tại Đại học Cambridge, John Teasdale chứng minh rằng thiền giúp bệnh nhân trầm cảm rất hiệu quả và giảm tới 1/2 khả năng tái phát bệnh. Ngoài ra, Jon Kabat-Zin, người thành lập Trung tâm trị liệu Stress năm 1979, đã giúp đỡ hơn 14.000 người vượt qua các bệnh đau đớn không cần dùng thuốc bằng cách tập trung thiền định. "Thiền cực kỳ hữu dụng với những bệnh nhân ung thư, AIDS hay các bệnh đau mạn tính", Jon nói. Cũng theo Jon, kỹ thuật thiền định càng hoàn hảo, người ta càng có nhiều kháng thể và hệ thống miễn dịch của cơ thể càng lớn mạnh.

 

 

Ông Fadel Zeidan - tác giả chính của công trình nghiên cứu này thuộc Trường y Wake Forest Baptist, Bắc Carolina (Mỹ) cho biết: "Đây mới chỉ là bước nghiên cứu đầu tiên, nhưng đã cho thấy chỉ một giờ ngồi tập trung thiền định có thể khiến phần não điều khiển việc nhận tín hiệu các cơn đau tạm "khóa", nhờ đó làm giảm các cơn đau không mong muốn. Thiền sẽ dạy cho con người biết rằng, những bối rối, cảm giác đau đớn chỉ là tạm thời, dần dần sẽ biến mất. Tập các bài thiền, con người dễ dàng chấp nhận các cơn đau, nhận ra nó là gì, rồi để nó qua đi, và dành tất cả sự tập trung, chú ý vào những vấn đề hiện tại".

Tác giả còn cho biết, các tín hiệu chế ngự cơn đau thu được từ việc tập thiền được xem là thành quả cao nhất so với các công trình nghiên cứu tương tự. Trong khi các phương pháp dùng morphine, các loại thuốc giảm đau khác hay thôi miên cũng chỉ giúp giảm đau được khoảng 25%.

Trước đây, đã có không ít các công trình nghiên cứu về thiền trong Phật giáo có tác dụng chữa các căn bệnh của cuộc sống hiện đại như ung thư, những bệnh bất ổn về tâm lý, bức xúc hay căng thẳng xảy ra hàng ngày, tạo ra những biến chứng phức tạp khó chữa trị, nhưng chỉ được xem là liệu pháp tâm linh.

 

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806