Giải mã tác dụng hai chiều của thảo dược

Đăng bởi Ncs, Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 23/10/2018 | 0 bình luận

"Tác dụng điều tiết hai chiều" (dual - direction regulation) của thảo dược là một thuật ngữ mới xuất hiện những năm gần đây, nhưng đã nhanh chóng trở thành một vấn đề trọng điểm trong nghiên cứu dược lý cũng như lâm sàng.

 

 

Tác dụng điều tiết hai chiều của vị thuốc, nói đơn giản, là những tác động theo 2 hướng tương phản - trái chiều với nhau, của cùng một vị thuốc. Ví dụ như, tam thất vừa có tác dụng "chỉ huyết" (cầm máu), lại có vừa có tác dụng "hoạt huyết" (thúc đẩy lưu thông máu). Chỉ huyết và hoạt huyết là những tác dụng điều tiết theo hai hướng tương phản với nhau.

Đông y đã sớm nhận biết về tác dụng tương phản của thuốc. Người xưa gọi đó là "nhất vật nhị khí" nghĩa là cùng một vị thuốc (nhất vật) mà có thể tạo ra 2 khí khác nhau (nhị khí). Mặc dù vậy, cho đến nay hiểu biết về cơ chế của của nguyên lý điều tiết hai chiều vẫn còn rất ít.

Theo kết quả nghiên cứu gần đây, tác dụng điều tiết hai chiều của thảo dược có thể liên quan đến một số nhân tố như sau:

1.Trong thuốc có một số thành phần đối kháng:

Trong mỗi một vị thuốc thảo dược, có rất nhiều thành phần hóa học khác nhau. Khi trong số những thành phần đó, có một số thành phần với tác dụng dược lý tương phản, thì vị thuốc có thể tạo ra những tác dụng điều tiết trái chiều với nhau.

 

 

Thí dụ, trong nhân sâm có nhiều loại saponin khác nhau. Trong đó, saponin loại Rb có tác dụng trấn tĩnh, ức chế thần kinh, còn saponin loại Rg lại có tác dụng kích thích, hưng phấn thần kinh. Do nhân sâm vừa có thể ức chế, lại có thể kích thích hoạt động thần kinh.

Hay như, đương quy có thể tăng co bóp, lại có thể làm giảm co bóp tử cung. Đó là vì trong đương quy có những hợp chất tan trong nước, có tác dụng kích thích tử cung, khiến cho tử cung tăng co bóp; đồng thời còn có những hợp chất tinh dầu, có tác dụng làm dịu, khiến cho tử cung giảm co bóp.

Trong đại hoàng có chứa sennoside A, là chất có tác dụng tẩy mạnh; lại có chứa các loại tannin, là những chất có tác dụng thu liễm chỉ tả. Do đó, đại hoàng có tác dụng điều tiết hai chiều, có thể thông đại tiện và có thể làm ngừng ỉa chảy.

2. Lượng thuốc với tác dụng điều tiết hai chiều:

Đối với thuốc hóa dược, tác dụng của thuốc nói chung tỷ lệ thuận với lượng thuốc sử dụng, liều dùng càng cao thì tác dụng của thuốc càng mạnh. Đối với thuốc thảo dược, thì tình hình phức tạp hơn nhiều. Khi các thành phần trong vị thuốc có tác dụng dược lý tương đồng, theo cùng một hướng, thì cường độ tác dụng của thuốc cũng sẽ tỷ lệ thuận với liều sử dụng. Nhưng khi thuốc bao gồm một số nhóm thành phần, với những tác dụng dược lý trái chiều nhau, tình hình sẽ không còn đơn giản như vậy. Vì với liều lượng sử dụng nhất định, tác dụng của các nhóm thành phần có thể triệt tiêu lẫn nhau. Chính vì vậy, đối với một số thảo dược, thường xuất hiện tình trạng "vật cực tắc phản" tác dụng của liều nhỏ và liều cao trái ngược nhau.

Thí dụ, tang diệp (lá dâu tằm) dùng liều nhỏ là thuốc phát hãn (làm ra mồ hôi), dùng liều lớn là thuốc chỉ hãn (cầm mồ hôi). Kim ngân và liên kiều, dùng liều nhỏ thì đi lên và có tác dụng giải biểu (giải ngoại cảm); dùng liều lớn thì đi xuống và có tác dụng giải độc. Bạch truật sử dụng liều trung bình có tác kiện vị dụng chỉ tả (mạnh dạ dày, cầm ỉa chảy), nhưng khi sử dụng với liều lớn, tới 30g, thì lại có tác dụng thông tiện.

Đại hoàng dùng với liều thường quy là một loại thuốc thông tiện mạnh, nhưng khi sử dụng với liều nhỏ thì lại có tác dụng kiện vị chỉ tả. Hồng hoa có tác dụng dưỡng huyết khi dùng liều nhỏ, còn khi sử dụng với liều cao thì sẽ có tác dụng phá huyết (hoạt huyết rất mạnh). Lộc nhung liều bình thường có tác dụng tăng cường sức co bóp cơ tim, liều lớn ngược lại có tác dụng ức chế cơ tim.

3. Bào chế với tác dụng điều tiết hai chiều:

Sau khi bào chế, thảo dược không chỉ thay đổi về tính trạng vật lý, mà còn biến đổi về thành phần hóa học và tác dụng cũng thay đổi hẳn.

Ví dụ như hoàng kỳ dùng sống (sinh kỳ) có tác dụng làm tăng huyết áp và kháng lợi niệu (giảm tiểu tiện), sao vàng tác dụng sẽ ngược lại, hạ huyết áp và lợi tiểu tiện. Bồ hoàng dùng sống (sinh bồ hoàng) có tác dụng hoạt huyết, sao cháy đen thì lại chỉ huyết.

4. Phối ngũ với tác dụng điều tiết hai chiều:

Trong mỗi phương thuốc, các vị thuốc được phối hợp với nhau theo quy tắc nhất định, gọi là "phối ngũ". Phối ngũ khác nhau, thì tác dụng của thuốc cũng không giống nhau.

 

 

Thí dụ, quế chi phối hợp với ma hoàng có tác dụng phát hãn giải biểu (làm ra mồ hôi để giải cảm), phối hợp với bạch thược thì lại có tác dụng hòa doanh chỉ hãn (điều hòa doanh huyết và cầm mồ hôi). Phát hãn giải biểu và hòa doanh chỉ hãn là những tác dụng điều tiết tương phản với nhau.

Những thầy thuốc giàu kinh nghiệm, thường biết cách phối hợp các vị thuốc với nhau một cách khéo léo, để tạo ra tác dụng điều tiết hai chiều.

Thí dụ, phương thuốc "Bán hạ bạch truật thiên ma thang" vừa có thể chữa hoa mắt chóng mặt (huyễn vựng) do huyết áp tăng cao, cũng có thể chữa hoa mắt chóng mặt do tụt huyết áp. Còn phương thuốc "Kim quỹ thận khí hoàn" vừa có tác dụng chữa tiểu tiện nhỏ giọt hoặc bí tiểu tiện, lại có thể chữa tiểu tiện quá nhiều hoặc tiểu tiện không thể kiềm chế.

5. Trạng thái cơ thể với tác dụng điều tiết hai chiều:

Trạng thái cơ thể là điều kiện quan trọng sản sinh ra tác dụng điều tiết 2 chiều của thuốc. Trạng thái bệnh lý khác nhau, thì tác dụng của thuốc cũng sẽ khác nhau.

Thí dụ, đối với người bị tăng huyết áp, nhân sâm có tác dụng làm hạ huyết áp, nhưng đối với người bị huyết áp thấp, nhân sâm lại có thể làm huyết áp tăng lên đến mức bình thường. Đối với phụ nữ đang mang thai ích mẫu thảo có tác dụng ức chế đối với tử cung, nhưng với phụ nữ sau khi đẻ ích mẫu thảo lại có tác dụng gây hưng phấn và làm tử cung tăng co bóp.

Trạng thái sinh lý và bệnh lý khác nhau, hiệu quả của thuốc cũng khác nhau.

Thí dụ, trong trạng thái sinh lý bình thường (cơ thể khỏe mạnh), vị thuốc hoàng cầm và vị thuốc xuyên tâm liên không có tác dụng giảm thân nhiệt. Nhưng trong trường hợp đang phát sốt, hai vị thuốc nói trên sẽ phát huy tác dụng như thuốc hạ sốt.

6. Ứng dụng lâm sàng ngày càng mở rộng:

Ví dụ điển hình, đối với bệnh đông máu lan tỏa trong lòng mạch (Disseminated Intravascular Coagulation - DIC). Khi điều trị bằng thuốc hóa học, cần phối hợp hết sức khéo léo thuốc chống đông máu với thuốc cầm máu. Vì dùng thuốc chống đông máu hơi quá liều là có thể dẫn đến xuất huyết; còn dùng thuốc cầm máu hơi quá liều, thì có thể tạo thành huyết khối.

Những năm gần đây, mâu thuẫn nói trên đang dần được hóa giải, do sử dụng một số thuốc thảo có tác dụng điều tiết hai chiều đối với huyết dịch, ví dụ như tam thất, tiên hạc thảo, huyết dư thán, bồ hoàng, ... Những vị thuốc đó rất phù hợp trong điều trị DIC, vì có thể hoạt huyết, lại có thể chỉ huyết.

Xét theo Y học hiện đại, "hoạt huyết" là tăng cường sự lưu thông máu, để phòng ngừa hình thành các cục máu đông, thậm chí còn có thể làm tan những cục máu đông. Còn "chỉ huyết" là làm cho mạch máu co nhỏ và máu đông đặc lại, để làm giảm lượng máu chảy ra ngoài từ chỗ mạch bị vỡ.

Những năm gần đây, tác dụng điều tiết hai chiều của thảo dược còn được ứng dụng ngay trong điều trị các bệnh miễn dịch, giảm cơn đau trong bệnh ung thư, các bệnh tiêu hóa, ... Trong tương lai không xa, các ứng dụng sẽ ngày càng nhiều.

Lương y THÁI HƯ

(Bài rút gọn đăng tải trên báo Sức khỏe & Đời sống số 1, 3 - tháng 1 năm 2016)

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806