Món ăn - Bài thuốc thường dùng chữa sỏi mật

Đăng bởi Ncs, Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 04/12/2018 | 0 bình luận

Sỏi mật chỉ hiện tượng hình thành sỏi trong túi mật hoặc các ống dẫn mật. Sỏi mật thường là hậu quả của tình trạng một hoặc vài thành phần của dịch mật bị vón cục, do rối loạn chuyển hóa, hoặc do viêm nhiễm. Khởi đầu ở dạng bùn, sau thành hạt, rồi dần dần hình thành sỏi viên.

 

 

Sỏi mật hay gặp ở những người ăn uống không điều độ, no đói thất thường, nhất là những phụ nữ béo phì độ tuổi trung niên hoặc giai đoạn mãn kinh. Tỷ lệ nữ giới mắc sỏi mật cao hơn nam giới. Sỏi túi mật hay gặp ở nữ giới trên 40 tuổi, nhưng sỏi ống mật thường xuất hiện ở các độ tuổi thấp hơn, từ 20-45 tuổi.

• Sỏi mật có những biểu hiện gì?

Số liệu thống kê cho thấy, khoảng 30-50% trường hợp sỏi mật, không có chứng trạng gì đặc biệt. Bệnh chỉ được phát hiện nhờ siêu âm ổ bụng, nhân một dịp kiểm tra sức khỏe toàn diện.

Triệu chứng lâm sàng của bệnh sỏi mật rất đa dạng, tùy thuộc vào vị trí, kích thước, tính chất của sỏi và diễn tiến của bệnh.

Sỏi túi mật, bình thường ít khi gây nên đau thắt, chỉ gây nên cảm giác khó chịu, trướng đầy ở bụng trên hoặc ở sườn phải, nóng dạ dày, ợ hơi, ứa nước chua, .... Những triệu chứng trên thường bộc lộ rõ hơn sau một bữa ăn nhiều chất béo.

 

 

Sỏi ống túi mật và sỏi ống mật chủ thường gây nên những cơn đau kịch liệt, kiểu đau quặn hay đau thắt. Cơn đau thường xuất hiện sau một bữa ăn no với những thức ăn nhiều chất béo, hoặc vào ban đêm. Đau quặn mật có hai biểu hiện chính:

1. Đau đột ngột, dữ dội, thành từng cơn, dưới bờ sườn phải, lan lên vai phải hoặc xuyên ra sau lưng. Mồ hôi đầm đìa, mặt trắng bệch; đứng ngồi không yên, phải uốn lưng, vật vã, tay ép chặt bụng, thậm chí kêu khóc, hoặc lợm giọng, nôn mửa. Đau kéo dài hay ngắn tùy từng trường hợp, có thể liên tục vài giờ. Khoảng gián cách cũng khác nhau, có thể tái phát liên tục, có khi sau vài tháng hay vài năm mới đau lại.

2. Sốt cao, kèm theo rét run, giống như đang lên cơn sốt rét.

Nếu là sỏi đường mật, cùng với hai biểu hiện trên, còn kèm theo hoàng đản (vàng da).

Trong giai đoạn gián cách, nói chung chỉ khi ấn mới thấy đau nhẹ ở vùng hạ sườn phải hoặc có cảm giác đau âm ỉ; đôi khi có thể đau từng cơn nhẹ, đau xuyên lên vai, lưng rồi hết; hoặc bụng trên có cảm giác trướng đầy, chán ăn, miệng đắng, sợ mỡ, không sốt, không vàng da, rêu lưỡi mỏng trắng hoặc hơi vàng.

• Ẩm thực liệu pháp Đông y

Trong Đông y, không có bệnh danh là "sỏi mật", nhưng bệnh trạng và cách chữa sỏi mật, đã được đề cập từ thời xưa, trong phạm vi của các chứng "đản trướng", "hiếp thống", "hoàng đản", "kết hung", "tích hoàng", ... Theo thuyết tạng phủ của Đông y, Đởm (mật) là "phủ kỳ hằng", có quan hệ mật thiết với tạng Can. Để duy trì hoạt động sinh lý bình thường, phủ Đởm cần "thanh lợi", nghĩa là cần sạch sẽ, tinh khiết, thông lợi.

 

 

Theo Đông y: Nguyên nhân dẫn tới sỏi mật thường là do tình chí bất sướng (tinh thần căng thẳng), tâm trạng không thoải mái, hoặc ưu tư, phẫn nộ quá độ, ... khiến cho "Can khí uất kết" (chức năng điều tiết của Can bị rối loạn). "Can khí uất kết" sẽ khiến đởm chấp (dịch mật) bị ứ đọng, thấp nhiệt nội sinh và dần dần hình thành sỏi mật. Sỏi mật còn có thể hình thành do ăn uống không tiết chế, khiến cho Tỳ Vị thương tổn, chức năng chuyển hóa rối loạn, thủy thấp nội đình, lâu ngày hóa hỏa; hỏa nhiệt hun đốt, khiến đảm chấp bị ứ đọng, tích tụ lại thành ra sỏi mật.

Kinh nghiệm thực tế cho thấy: Ẩm thực liệu pháp của Đông y có khả năng ngăn chặn không để sỏi tiếp tục to lên, làm sỏi tan dần và phòng ngừa sỏi mật tái phát. Như vậy, có tác dụng trên cả hai phương diện, trị liệu và dự phòng.

Tuy nhiên, ẩm thực liệu pháp không phải là biện pháp chữa trị vạn năng. Nói chung, thích hợp nhất đối với các trường hợp:

- Sỏi ống mật chủ có đường kính dưới 1cm;

- Sỏi dạng bùn cát ở ống mật gan;

- Sỏi cặn còn sót lại sau khi tiến hành thủ thuật ở đường mật.

Đối với người bị bệnh sỏi mật, về ăn uống còn cần tuân thủ 3 nguyên tắc sau:

1. Hạn chế các loại thức ăn có nhiều cholesterol như óc, gan, thận động vật, trứng cá, ...

2. Hạn chế các món ăn béo ngậy để tránh dẫn đến co thắt mật, nên dùng dầu thực vật thay thế cho mỡ động vật.

3. Bữa sáng cần ăn no, bữa trưa ăn đủ, bữa tối ăn ít. Tuyệt đối không được nhịn ăn sáng, tránh ăn uống no say vào buổi tối, tránh để bụng đói quá lâu.

• Món ăn - Bài thuốc thường dùng

Cũng như khi dùng thuốc, việc sử dụng thức ăn để chữa bệnh, cũng cần tuân theo nguyên tắc "Biện chứng luận trị" của Đông y. Do đó, người bệnh cần căn cứ vào những chứng trạng cụ thể, để nhận biết thể bệnh của mình, trên cơ sở đó mà chọn dùng phép chữa, Món ăn - Bài thuốc thích hợp.

Một số thể bệnh thường gặp:

1. Thể khí trệ:

- Chứng trạng: Thỉnh thoảng thấy trướng đau ở hạ sườn phải, vùng thượng vị đầy tức, đau. Miệng đắng, ợ hơi; chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi trắng mỏng. Mạch huyền (căng như dây đàn).

- Phép chữa: Sơ can lý khí lợi đởm.

- Tùy theo tình hình cụ thể, có thể chọn dùng một trong số các Món ăn - Bài thuốc dưới đây:

(1) Cháo sơn tra: Sơn tra 30g, gạo tẻ 100g, đường trắng 20g, cùng nấu thành cháo (ăn sơn trà và uống nước cháo).

(2) Rượu phật thủ: Phật thủ 50g, rượu trắng 500ml; ngâm 7-10 ngày có thể sử dụng; mỗi ngày uống 40-50ml (chia 2-3 lần).

(3) Trà phật thủ: Hàng ngày dùng 6-10g phật thủ khô (hoặc 15-20g tươi), thái lát, pha nước uống thay trà trong ngày.

(4) Ốc hầm: Dùng ốc ruộng khoảng 15 con, bóc lấy thịt, băm nhỏ, nấu thành món hầm; làm thức ăn trong các bữa cơm.

 

2. Thể thấp nhiệt:

- Chứng trạng: Người lúc nóng lúc lạnh (vãng lai hàn nhiệt) hoặc sốt cao, sợ lạnh, hạ sườn phải trướng đau liên tục, thỉnh thoảng đau kịch liệt, có khi đau xuyên lên vai và cánh tay phải; miệng đắng, lợm giọng buồn nôn, bụng và dạ dày đau tức, đại tiện táo bón, nước tiểu vàng đỏ, mặt và mắt vàng. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng dày và nhớt. Mạch huyền hoạt sác (căng, nhanh).

- Phép chữa: Thanh nhiệt hóa thấp.

- Tùy theo tình hình cụ thể, có thể chọn dùng một trong số các Món ăn - Bài thuốc dưới đây:

(1) Trà râu ngô rễ cỏ tranh: Râu ngô 30g; bạch mao căn (rễ cỏ tranh) 30g; hồng táo (táo tầu) 8 quả; tất cả ngâm nước lạnh khoảng 1 giờ, sau đó đun sôi nhỏ lửa trong 40 phút; chia thành 2 lần, ăn táo và uống nước; liên tục 1 tháng.

 

 

(2) Trà nhân trần: Dùng nhân trần 10-15g; hãm nước sôi uống thay trà trong ngày.

(3) Dây dưa chuột trứng gà: Dùng dây dưa chuột 100g, sắc lấy nước, đập 1 quả trứng gà tươi vào đánh đều; thêm mắm muối gia vị chế thành món canh.

3. Thể uất nhiệt:

- Chứng trạng: Sườn trướng đau hoặc có cảm giác nóng rát, miệng đắng, hơi thở hôi, tâm phiền, dễ cáu giận, đại tiện bí, nước tiểu đỏ, miệng khô. Chất lưỡi đỏ, rêu lưỡi vàng. Mạch huyền sác.

- Phép chữa: Sơ can, lợi đởm, thanh nhiệt.

- Tùy theo tình hình cụ thể, có thể chọn dùng một trong số các Món ăn - Bài thuốc dưới đây:

(1) Trà lô căn: Lô căn tươi 50g (hoặc 20g khô), sắc nước uống thay trà trong ngày; liên tục 3 tháng. Kinh nghiệm cho thấy, loại trà này có tác dụng làm tan sỏi mật do tình trạng "nhiệt uất", miệng khô phiền táo; người đã có sỏi, kiên trì uống sẽ có hiệu quả.

(2) Thịt hầm kim tiền ngân hoa: Kim tiền thảo tươi 20g (khô 10g), kim ngân hoa tươi 20g (khô 10g), thịt lợn nạc 1kg, rượu trắng 2 thìa canh; thịt thái thành miếng nhỏ, kim tiền thảo và kim ngân hoa dùng vải bọc lại, cho vào nồi, thêm nước lạnh vào ngâm cho nước ngấm đều vào các vị thuốc, sau đun sôi, thêm chút rượu, đun nhỏ lửa khoảng 2 giờ, thêm mắm muối vào cho vừa miệng là được; chia thành 3 phần ăn hết trong ngày (bỏ bã thuốc, ăn thịt và uống nước hầm), cách ngày ăn 1 lần.

(3) Canh mề gà kim tiền thảo: Kim tiền thảo 12-15g, mề gà 2 cái; mề gà mổ ra, loại bỏ hết thức ăn, nhưng vẫn giữ nguyên lớp màng màu vàng bên trong (Đông y gọi màng này là "kê nội kim"), dùng nước rửa sạch, sau đó xát muối, dùng giấm ăn rửa sạch, cuối cùng rửa lại bằng nước trắng; cho mề gà cùng với kim tiền thảo đã rửa sạch vào nồi, nấu sôi, sau đó đun nhỏ lửa khoảng 1 tiếng là được; chia ra 2 lần ăn trong ngày, mỗi lần uống 1 bát nước thuốc và ăn hết một cái mề gà, có thể vớt mề gà ra, thái lát, chấm nước mắm ăn; sử dụng liên tục từ 15 ngày cho đến một tháng.

Đây là một Món ăn - Bài thuốc vừa có tác dụng làm tan sỏi, lại có cả tác dụng bồi bổ cơ thể (công bổ kiêm thi); đặc biệt, Món ăn - Bài thuốc này có thể sử dụng cho cả 3 thể bệnh.

Lương y HUYÊN THẢO

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806