BÀI VIẾT MỚI NHẤT

Tags

Nhung hươu và cách dùng khoa học

Đăng bởi Ncs, Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 28/09/2018 | 0 bình luận

Lộc nhung, cách đánh giá chất lượng và cách sử dụng

Y gia xưa thường nói sâm, nhung, quế, phụ là 4 vị thuốc bổ đứng đầu. Hay dùng nhất là sâm, nhung rồi đến quế và phụ tử. Phụ tử được coi là một vị thuốc "bổ dương" nhưng có độc cho nên nhiều người không dám dùng. Nhung là loại thuốc bổ dương tự nhiên tốt nhất đối với nam giới và cũng rất có ích đối với nữ giới. Vì vậy, mỗi người chúng ta đều nên biết về cách đánh giá chất lượng, cũng như phương pháp sử dụng nhung để bồi dưỡng sức khỏe.

Vị thuốc "nhung", hay "lộc nhung" là sừng còn non, của con hươu hoặc con nai. Để đánh giá chất lượng của lộc nhung cần chú ý đến 3 vấn đề: Thứ nhất là, biết rõ về những loài hươu hoặc loài nai cho nhung; thứ hai là, mùa vụ và phương pháp khai thác; thứ ba là, độ tuổi của nhung, nghĩa là nhung non hay nhung già (đã biến thành xương).

CÁC LOÀI HƯƠU NAI CHO NHUNG

Ở nước ta, lộc nhung thường được khai thác từ một số loài hươu, nai sau đây:

1. Hươu sao:

Còn gọi là "hươu bông", "mai hoa lộc", hay "hoa lộc", tên khoa học là Cervus nippon Temminck, thuộc họ Hươu nai (Cervidae).

Nhung của con hươu này ở nước ta gọi là "lộc nhung", "nhung hươu"; ở Trung Quốc gọi là "hoàng mao nhung" (黄毛茸) hay "hoa nhung" (花茸).

Hươu sao có kích thước trung bình (nhỏ hơn nai, to hơn hẵng), có chiều từ 0,9-1,4m; vai cao từ 0,7-1m; trọng lượng 60-80kg. Thân hình nhẹ nhàng, phủ lông ngắn, mịn, màu vàng hung, dọc hai bên thân có 6-8 hàng chấm trắng, như những "ngôi sao"; mặt dưới bụng và mặt dưới đuôi đều có màu trắng. Chân cao và thon nhỏ; đuôi ngắn; cổ tương đối dài, đầu nhỏ nhưng tai to và dựng đứng (thường dài hơn đuôi), mang cặp sừng to, phân thành 2-4 nhánh.

 

 

Trong điều kiện hoang dã, hươu sao thường sống ở rừng thưa trên núi đất, ưa những nơi khô ráo. Sống thành từng đàn, hiền lành và nhút nhát. Nơi sống thường ổn định, ít khi di cư. Hoạt động chủ yếu vào ban đêm, mạnh nhất sẩm tối và sáng sớm. Hươu sao ăn cỏ, lá cây; thích những loại lá có nhựa mủ như sung, ngái, mít. Mỗi năm đẻ 1 lứa, mỗi lứa 1 con; thường tập trung vào các tháng 3-4-5. Hiện tại hươu chủ yếu được nuôi để lấy nhung trong điều kiện nhân tạo, chủ yếu ở các tỉnh phía Bắc, nhiều nhất ở Nghệ An.

2. Nai:

Còn gọi là "nai đen", "con mê", tên khoa học là Cervus unicolor Kerr, thuộc họ Hươu nai (Cervidae). Tại Trung Quốc con nai này gọi là "thủy lộc", phân bố ở Tứ Xuyên, Vân Nam, Quảng Đông, ...

Nhung của con nai (con mê), tức con "thủy lộc" theo cách gọi ở Trung Quốc, ở nước ta gọi là "mê nhung", còn ở Trung Quốc gọi là "xuân nhung" (春茸).

Con nai (con mê) là loài thú lớn, thân dài 1,8-2m, vai cao 1,4-1,6m, nặng 185-200kg. Sừng có 3 nhánh, càng già sừng càng có nhiều nhánh hơn. Da ở mặt lưng có màu nâu hạt dẻ, càng lùi về phần hông màu lông càng đậm. Bụng ở phần ngực màu nâu đen, phần sát với hông màu trắng xám, bẩn. Đuôi ngắn.

Ở nước ta, trong điều kiện hoang dã nai sống ở hầu hết các tỉnh có rừng. Thường gặp ở các rừng cây rậm rạp gần cánh đồng cỏ hoặc trong các cánh rừng ven suối, ven sông yên tĩnh, mát mẻ. Nai thích nhảy, nên ưa những nơi thoáng đãng, có thể kiếm ăn ven làng bản. Thức ăn là chồi mầm, lá non, cây bụi, cỏ non, quả rừng rụng. Cần nhiều muối khi mọc sừng và đêm nào cũng uống nước. Nai sống đơn độc, chỉ ghép đôi vào xuân, thu, trong mùa sinh dục. Thời gian chửa 8-9 tháng, mỗi lứa đẻ 1 con.

Hiện tại nai còn được nuôi để lấy nhung trong điều kiện nhân tạo, chủ yếu ở các tỉnh phía Nam.

3. Một số loài khác ở Việt Nam:

Ngoài hươu sao và nai, lộc nhung còn có thể khai thác từ một số loài khác:

- Hươu vàng (Cervus porcinus): Còn gọi là "hươu đầm lầy", "hươu lợn". Sống ở rừng thưa, ven các sình lầy. Là loài thú nhỏ hơn, chỉ nặng không quá 40-50g; lông màu xám pha vàng. Đầu mang cặp sừng mảnh khảnh, nhọn, sắc, dài 25-30cm, chia 2-3 nhánh. Nhung nhỏ, chất lượng thấp. Loài này số lượng còn ít, phân bố hẹp, đã được đưa vào sách đỏ.

 

 

- Nai cà tông (Cervus eldi): Còn gọi là "nai cá", "hươu cà tông". Thân dài 1,5-1,7m; có thể nặng tới 90-100kg. Toàn thân lông mềm, đỏ hung hoặc vàng hung, hai bên có các vệt màu vàng nhạt. Con đực có sừng 4-5 nhánh. Nhánh thứ nhất hướng về phía trước, tạo với thân sừng hình vòng cung trên đỉnh đầu; các nhánh khác ở đầu sừng xòe ra, như bàn tay 3-4 ngón. Số lượng còn rất ít, ở Kontum, Đắk Lắk, lầm Đồng và Phú Yên; đã được đưa vào sách đỏ.

- Hoẵng (Muntiacus muntjack): Còn gọi là "mang", "con mễnh". Nhỏ hơn nai, thân hình thon mảnh. Mõm dài, quanh mõm có viền lông đen nhạt hoặc nâu đậm; lông mi dài; phía trên hai mắt có hai bờm nhỏ màu đen; lông màu đen tạo thành một tam giác trên trán. Hoẵng đực có sừng đặc, dài 10-15cm và tẽ ra như hình chữ V; ở đầu lại tẽ ra một nhánh nhỏ nữa. Nhung rất bé, giá trị kém cả về y học và kinh tế.

4. Nước ngoài:

Ở nước ngoài, ngoài "hươu sao" như ở nước ta, nhung còn thường được khai thác từ loài hươu châu Âu, còn gọi là hươu hay nai Mông Cổ; ở Trung Quốc gọi là "mã lộc"; còn gọi là "xích lộc", "bát xoa lộc"; tên khoa học Cervus elaphus L.

Là loài thú lớn, thân dài tới 2m, vai cao 1,2m, nặng tới 200kg. Nhung dài và to. Loài này chưa thấy phát hiện ở nước ta, nhưng phân bố nhiều ở phía Bắc Trung Quốc và Mông Cổ.

Ngoài ra, Đông y Trung Quốc còn khai thác nhung từ một số con khác, như:

- "Thủy lộc": Con này ở nước ta gọi là "nai" hoặc "mê" (đã nói ở trên). Nhung thương phẩm của con này ở Tứ Xuyên (Trung Quốc) gọi là "xuân nhung".

- "Bạch thần lộc": Tức hươu môi trắng, tên khoa hoc là Cervus albirostris Prezewalski; phân bố ở Tứ Xuyên, Thanh Hải, Tây Tạng. Hươu này có hình dáng cao lớn, khỏe. Nhung thương phẩm của nó là "nham nhung" (岩茸). Con đực có sừng to, dài tới trên 1m và có 8 nhánh mỗi bên sừng.

- "Bạch lộc": Tên khoa hoc là Cervus macneilli Lydekker; phân bố ở miền Tây tỉnh Tứ Xuyên (Trung Quốc). Nhung của nó gọi là "thảo nhung" (草茸).

PHÂN BIỆT NHUNG THEO MÙA VÀ CÁCH KHAI THÁC

Chỉ có hươu nai đực mới có sừng. Thường tháng 7-8 là mùa hươu nai giao cấu. Con cái có chửa 6 tháng, vào khoảng tháng 2-3 năm sau thì đẻ. Hươu đực 1 năm tuổi mọc nhung lần đầu, còn nai đực 2 tuổi mới mọc nhung lần đầu. Nhưng để sử dụng làm thuốc, người ta chỉ cắt nhung khi hươu, nai đã được 3 tuổi. Hàng năm vào cuối mùa hạ, sừng hươi nai cũ sẽ rụng đi, mùa xuân năm sau sẽ lại mọc sừng khác. Sừng non khi mới mọc dài 5-10cm, rất mềm. Mặt ngoài phủ đầy lông tơ màu nâu nhạt trong chứa rất nhiều mạch máu. Vì sừng non mềm và sờ mịn như nhung do đó có tên "nhung". Mùa nhung của hươu vào khoảng tháng 2-3, của nai vào tháng 4-8.

 

 

Hiện tại, nhung hươu trên thị trường chủ yếu được khai thác từ các trại chăn nuôi. Những năm gần đây, nghề nuôi hươu, nai ở nước ta bắt đầu trở nên phổ biến, với rất nhiều quy mô khác nhau. Có nơi nuôi hàng đàn, có nhà chỉ nuôi 2-3 con đực và một con cái.

Từ xưa, nhung hươu nai nuôi, được khai thác theo 2 phương pháp chủ yếu và cho sản phẩm với những tên thương mại khác nhau:

1. Cự nhung:

"Cự nhung" (锯茸): Là nhung khai thác bằng cách cưa nhung ("cự" = cưa) từ đầu con hươu đang sống.

Mỗi năm có thể cắt nhung 1 hoặc 2 lần:

- Nếu cắt 1 lần, thường tiến hành vào hạ tuần tháng 7.

- Nếu cắt hai lần, thì lần thứ nhất thường tiến hành sau tiết Thanh minh 40-50 ngày, loại nhung này gọi là "nhung lứa đầu" (đầu trà nhung - 头茬茸); lần thứ hai, thường tiến hành sau tiết Lập thu, nhung loại này gọi là "nhung lứa hai" (nhị trà nhung - 二茬茸). Nhung cắt lần thứ hai (nhị trà nhung), nói chung hơi khác nhung đợt đầu, thường dài thuỗn, không còn tròn, hoặc đế to đầu nhỏ, gần đế có những đường gân dọc, lông thô hơn, trọng lượng nặng hơn và không có mùi tanh như nhung lứa đầu.

2. Khảm nhung:

"Khảm nhung" (砍茸): Là nhung chặt ("khảm" = chặt) từ đầu con hươu đã chết. Thường khai thác vào các tháng 6-7, từ những con hươu già, đã 6-10 năm tuổi, hoặc bị bệnh chết. Người ta chặt cả đầu hươu, sau cưa lấy nhung (liền cả phần xương đầu), sau đó mới cạo bỏ da thịt dính ở xương đầu, rồi đem chế biến.

Thời trước, ở nước ta, lộc nhung chủ yếu là sản phẩm săn bắn. Khi bắn được hươu, người ta thường lấy cả cặp nhung hoặc sừng liền với xương đầu gọi là "nhung liên tảng" hay "sừng liên tảng".

Hiện nay, nhung bán trên thị trường chủ yếu là sản phẩm chăn nuôi. Hươu nai nuôi trong môi trường nhân tạo, không giống điều kiện tự nhiên, nên người ta vẫn quý nhung hươu nai săn bắn được hơn là hươu nuôi. Một số người nuôi hươu, muốn cho nhung bán được giá cao, khi hươu đã già, thì cắt cả đầu đem đi bán, nói là hươu bắn được.

PHÂN BIỆT CHẤT LƯỢNG NHUNG THEO TUỔI SỪNG

Ở Việt Nam, chất lượng nhung được phân loại theo độ tuổi của sừng như sau:

1. Huyết nhung: Được coi là loại nhung quý nhất. Thân nhung ngắn, mọng máu, mềm, da hồng, đầu tù, lông rất mịn và thưa. Người ta cho rằng, trong thời điểm này, nhung đã phát triển đến cực đại về chất và lượng, nhưng chưa hóa thành sừng.

2. Nhung yên ngựa: Là loại nhung bắt đầu phân nhánh, nhưng nhánh còn ngắn. Chỗ phân nhánh bên dài bên ngắn trông giống yên con ngựa, nên có tên là "nhung yên ngựa". Loại này cũng được xếp vào loại nhung rất quý, vì cho rằng nhung đã phát triển đầy đủ, mà chưa thành sừng. Nếu đợi quá một thời gian nữa, một phần đã thành sừng thì kém giá trị.

3. Nhung gác sào: Là nhung già, sừng đã phân nhiều nhánh, lông cứng và dày, đầu bè ra. Tùy theo độ già của sừng, số nhánh, lông phủ bên ngoài dài, cứng vừa phải hay thô ráp, mọc dầy hay thưa, ... mà người ta phân thành loại I, loại II, loại III. Nhung bán trên thị trường hiện nay phần lớn là nhung gác sào, chủ yếu là loại II và loại III. Muốn có "huyết nhung" hay "nhung yên ngựa", thường phải đến tận trại nuôi hươu.

4. Nhung chìa vôi: Là nhung cắt từ con hươu, nai dưới 3 tuổi. Dù là "huyết nhung" - nghĩa là nhung còn non, nhưng khai thác ở hươu, nai chưa thật trưởng thành, nên một cặp nhung chìa vôi sau khi phơi, sấy khô chỉ nặng 40-50g, ngang nhung hoẵng.

Trong Đông y Trung Quốc, chất lượng nhung được phân loại theo độ tuổi hơi khác nước ta:

1. Nhung hươu sao Trung Quốc:

Cả 2 loại "cự nhung" (nhung cưa) và "khảm nhung" (nhung chặt) đều được phân loại theo số nhánh:

1.1. Nhung cưa (Cự nhung): Thân nhung có hình trụ tròn, thường phân thành 1-2 nhánh.

Được đặt tên như sau:

- Nhị giang (二杠): Là loại nhung hươu sao mới chỉ phân 1 nhánh. Trụ chính gọi là "đại đĩnh" (大挺), thường dài 14-20cm. Mặt ngoài nâu hồng hoặc nâu, phủ đầy lông mịn, lông ở phía trên tương đối rậm, lông ở phía dưới thưa hơn. Lát cắt ở gốc sừng có đường kính cỡ 3cm, nhìn chỗ cắt thấy chung quanh vẫn chưa thành xương; mùi hơi tanh, vị hơi mặn. Nhánh chẽ thường cách vết cắt khoảng 3cm, dài 10-15cm, đường kính nhỏ hơn.

- Tam sá (三岔): Là nhung hươu sao đã phân 2 nhánh. Trụ chính (đại đĩnh) dài 24-30cm; đường kính tương đối nhỏ, nói chung không còn tròn, hơi lõm hình vòng cung; phần đỉnh hơi nhọn, phần dưới thường nổi lên những gờ dọc và một số sẹo lồi.

Nhung lứa 2 (nhị trà nhung) hình dạng tương tự như nhung lứa đầu (đầu trà nhung) nhưng trụ chính (đại đĩnh) thường dài hơn và không tròn, hoặc dưới to trên nhỏ, phần dưới có những gờ gân ngang, lông thô, nặng hơn, không có mùi tanh.

1.2. Nhung chặt (khảm nhung): Dính liền với xương đầu, cũng chia thành "nhị giang" và "tam sá" theo số nhánh.

2. Nhung hươu ngựa (Mã lộc nhung):

Còn gọi là "Thanh mao nhung". To hơn, phân nhánh nhiều hơn nhung hươu sao, màu đen xám hay hơi vàng. Cách đặt tên theo số nhánh hơi khác cách đặt tên cho nhung hươu sao:

- "Đơn môn" (单门): Loại nhung mới chỉ có một nhánh; trụ chính (đại đĩnh) dài 23-27cm, đường kính khoảng 3cm; mặt ngoài màu xám đen, lông xám hoặc vàng nhạt, mịn mà sáng bóng (nhìn như không có lông), chất mềm; chỗ vết cắt thấy da hơi dầy.

- "Liên hoa" (莲花): Loại nhung phân 2 nhánh; trụ chính dài 16-33cm, gần đế mặt ngoài có một số đường gân, nhưng nhung vẫn chưa già.

- "Tam sá" (三岔): Loại phân 3 nhánh, đã tương đối già, màu thẫm.

- "Tứ sá" (四岔): Loại phân 4 nhánh, lông thô và thưa.

Thương phẩm bán trên thị trường chủ yếu là nhung "Liên hoa", "Tam sá" và "Tứ sá", hiếm có "Đơn môn".

SỬ DỤNG LỘC NHUNG ĐỂ BỒI BỔ

Theo Đông y: Lộc nhung có vị mặn, tính ấm; vào các kinh Can và Thận. Có tác dụng tráng nguyên dương, bổ tinh huyết, ích tinh tủy, cường cân cốt. Dùng chữa hư lao (suy nhược nặng), cơ thể yếu gầy, tinh thần mệt mỏi, đầu choáng mắt hoa, tai ù, mắt mờ, lưng gối yếu mỏi, dương nuy (liệt dương), hoạt tinh, phụ nữ tử cung hư lãnh không thụ thai, băng lậu, đới hạ, trẻ phát triển chậm, ...

Theo kết quả nghiên cứu hiện đại, lộc nhung có những tác dụng chính như sau:

1. Tăng thể lực, chống mệt mỏi, nâng cao hiệu suất lao động và cải thiện giấc ngủ.

2. Nâng cao khả năng miễn dịch của cơ thể, khả năng chịu đựng trong môi trường thiếu ô-xy, nhiệt độ cao và nhiệt độ thấp.

3. Tăng cường chức năng tiêu hóa, cải thiện dinh dưỡng, chống rối loạn chuyển hóa đạm và chuyển hóa năng lượng.

4. Tăng lưu lượng máu qua động mạch vành tim, tăng lượng hồng cầu, bạch cầu và huyết sắc tố, ngăn chặn sự rối loạn nhịp tim, giúp huyết áp phục hồi nhanh trong trường hợp bị mất nhiều máu.

5. Có tác dụng như một kích thích tố sinh dục; kích thích tăng trưởng (tăng chiều cao và thể trọng). Ngoài ra, còn giúp xương gãy chóng phục hồi, vết thương chóng lành, chống loét, ...

Trong điều kiện gia đình, có thể sử dụng nhung hươu, nai để bồi bổ theo một số phương pháp tương đối đơn giản như sau:

(1) Cách thứ nhất: Dùng trứng gà 1 quả, nhung hươu 1g; nhung hươu sấy khô, tán thành bột mịn; đục một lỗ nhỏ ở đỉnh quả trứng gà, nhồi bột nhung hươu vào, dùng giấy bịt kín, hấp cách thủy hoặc đặt vào nồi cơm hấp chín; mỗi sáng ăn một quả trước bữa điểm tâm.

(2) Cách thứ hai: Lộc nhung 200g, hoài sơn (củ mài) 800g; tất cả tán thành bột mịn, trộn đều; ngày uống 2 lần (sáng sớm và buổi tối trước khi đi ngủ), mỗi lần 3g, chiêu thuốc bằng nước ấm.

(3) Cách thứ ba: Lộc nhung 100g, nhân sâm 100g; ngâm với 1 lít rượu, sau 20-30 ngày có thể sử dụng; ngày uống 3 lần, trước bữa ăn, mỗi lần 1 chén con (khoảng 20ml).

(4) Cách thứ tư: Lộc nhung 50g, long nhãn 500g, hoàng kỳ 150g; ngâm với 1 lít rượu, sau 20-30 ngày có thể sử dụng; ngày uống 3 lần, trước bữa ăn, mỗi lần một chén con.

Hai vấn đề cần lưu ý:

1. Lộc nhung là một loại thuốc bổ có tác dụng nhanh và mạnh, vì vậy mỗi lần chỉ nên sử dụng 1-2g. Khi sử dụng, nói chung nên bắt đầu từ liều thấp, sau đó tăng dần, không nên sử dụng ngay liều lớn, để tránh hiện tượng "dương thăng phong động", gây choáng đầu hoa mắt, chảy máu mũi, ...

 

2. Lộc nhung là loại thuốc thuần dương, nên những người có thể tạng "âm hư hỏa vượng", không nên dùng độc vị lộc nhung (cần phối hợp thêm các vị thuốc khác); ngoài ra trường hợp bị ngoại cảm nhiệt bệnh cũng cần kiêng kỵ.

 

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806