Phép bổ trong Y học cổ truyền

Đăng bởi Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 13/12/2022 | 0 bình luận

 

“Bổ pháp” là phương pháp trị liệu căn cứ trên nguyên tắc biện chứng luận trị để lựa chọn các vị thuốc có công dụng bổ ích cường tráng...rồi thông qua phối ngũ mà tạo thành phương tễ nhằm mục đích bổ sung phần thiếu hụt về âm, dương, khí, huyết, dinh, vệ, tân dịch...; điều chỉnh công năng các tạng phủ, tăng cường năng lực đề kháng bệnh tật của cơ thể, làm hết các chứng hậu suy nhược khiến cho sức khỏe được hồi phục, cơ thể trở nên khỏe mạnh và cường tráng. Trong bát pháp của y học cổ truyền (YHCT) (hãn, thổ, hạ, hòa, thanh, ôn, tiêu, bổ), bổ pháp chiếm một vị trí rất trọng yếu. Bổ pháp là phương pháp cơ bản để trị liệu “hư chứng” của YHCT.

1. Cổ nhân bàn về bổ pháp

Ở Trung Quốc, bàn đến bổ pháp, Nội kinh, y thư kinh điển đã chỉ ra một số nguyên tắc của bổ pháp : “Hình bất túc giả, ôn chi dĩ khí ; tinh bất túc giả, bổ chi dĩ vị”, “tổn giả ích chi”, “bổ thượng trị thượng chế dĩ hoãn, bổ hạ trị hạ chế dĩ cấp, cấp tắc khí vị hậu, hoãn tắc khí vị bạc”. Trong Nội Kinh còn có một chương phụ phương bổ pháp ghi lại phương danh “Tứ ô tặc cốt xuyến như hoàn”. Trong phương, ngoài ô tặc cốt và xuyến như căn, còn có trứng chim sẻ và dùng dịch nước bào ngư để uống có công năng bổ can thận, ích tinh huyết, thông huyết mạch, hoà tràng vị, dùng để chữa chứng bệnh “Huyết khô” kinh bế. Như vậy có thể thấy, bổ pháp được ứng dụng trong lâm sàng tương đối sớm. Sau này, Nạn Kinh cũng đưa ra phương pháp “hư tắc bổ kỳ mẫu” (hư thì bổ mẹ), tức là bổ pháp gián tiếp trị liệu hư chứng. Trong Thần nông bản thảo kinh cũng có đề cập đến nhiều loại thuốc bổ như nhân sâm, sơn dược, thỏ ty tử, đỗ trọng …

Đến thời Hán, Trương Trọng Cảnh, y gia trứ danh“cần cầu khổ luyện, bác thái chúng phương”, trong sách Thương hàn tạp bệnh luận 16 cuốn, trên cơ sở kế thừa các bậc tiền nhân, ông đã góp phần rất lớn trong sự phát triển của bổ pháp. Ví như, ích khí bổ dương phương có Phụ tử thang, Lý trung hoàn …; dưỡng âm bổ dương phương có Kim quỹ thận khí hoàn, Thược dược cam thảo phụ tử thang...; dưỡng âm ích khí phương có Thược dược cam thảo thang, Chích cam thảo thang…; dưỡng âm thanh nhiệt phương có Hoàng liên a giao thang, Trúc diệp thạch cao thang…; cấp cứu hồi dương phương có Tứ nghịch thang, Bạch thông thang...; ôn dương bổ trung phương có Tiểu kiến trung thang, Tứ nghịch gia nhân sâm thang…; phù chính khu tà phương có Phụ tử tế tân thang, Bạch hổ gia nhân sâm thang… Những trước tác của Trương Trọng Cảnh có thể nói là những y thư “thừa tiền khải hậu”, có sự ảnh hưởng rất lớn đối với sự phát triển của y học sau này. Về phương diện bổ ích âm, dương, khí, huyết, tân, dịch...các tác phẩm này đã đề ra những nguyên tắc lập phương phối ngũ và truyền lại cho đời sau rất nhiều phương thuốc, mà đến hôm nay vẫn được ứng dụng rộng rãi trên lâm sàng với hiệu quả rất tốt.

Thời Đường, Vương Băng đã có sự phát triển lớn đối với những lý luận của Nội kinh, người đời sau gọi những lý luận của ông là “phát Nội kinh sở vị phát” (phát triển những chỗ chưa phát triển của Nội kinh). Về bổ pháp, ông đề ra nguyên tắc trị nguyên dương chi hư yếu : “ích hoả chi nguyên, dĩ tiêu âm ế” ; trị chân âm chi kiệt : “tráng thuỷ chi chủ, dĩ chế dương quang”…Những lý luận này có ảnh hưởng rất lớn đối với các y gia đời sau trong việc dùng phương pháp bổ thận dương, bổ thận âm.

Thời Tống, danh y Tiền Ất cũng có những đóng góp mới về bổ pháp. Theo ông, ở trẻ em âm khí chưa thịnh, dương khí còn yếu, không nên dùng thuốc hương thoán (có nhiều tinh dầu). ông cho rằng trẻ em phế hư suyễn tức dùng A giao tán; trị thận hư thất âm, thóp không kín, thần bất túc, sắc mặt trắng nhợt dùng Địa hoàng hoàn (tức là Lục vị địa hoàng hoàn). Đồng thời, ông cũng sáng chế ra không ít phương thuốc, như Lục vị địa hoàng hoàn, Ngũ vị dị công tán…đến nay vẫn được các thầy thuốc sử dụng. Có người đã nói ông là người khởi xướng cho trường phái “tư âm” trong bổ pháp của hậu thế.

Thời Tống Kim, trong sách Tạng phủ tiêu bản hàn nhiệt hư thực dụng dược thức, về bổ pháp, Trương Nguyên Tố đã đưa ra phương pháp bồi bổ và các vị thuốc bổ dùng cho từng tạng phủ rất rõ ràng, để lại cho hậu thế cách thức dùng thuốc hết sức linh hoạt. Đệ tử của Trương Nguyên Tố là Lý Đông Viên thì chủ trương chú trọng đến bồi bổ dương khí của tỳ vị. Ông cho rằng tỳ vị và sự tư sinh thăng giáng và vận động của nguyên khí, tinh khí của cơ thể có quan hệ rất mật thiết, ông lập ra phương pháp thăng dương bổ khí, sáng chế Bổ trung ích khí thang, Điều trung ích khí thang, Thăng dương ích vị thang…và không ít các phương thuốc kiện tỳ ích khí khác góp phần làm cho phương diện bổ tỳ vị có sự phát triển rất lớn.

Đến thời Nguyên, Chu Đan Khê sáng lập thuyết “dương thường hữu dư, âm thường bất túc”, chú trọng phát triển phương pháp tư âm. Người đời sau tôn ông là thủ lĩnh của trường phái “tư âm”, có ảnh hưởng rất sâu sắc đến phái ôn bệnh sau này.

Thời Minh, Trương Cảnh Nhạc sáng lập “tân phương bát trận”, bao gồm “bổ lược” “bổ trận”. Ông rất chú trọng đến bổ thận, sáng chế ra những phương thuốc bổ thận như Đại bổ nguyên tiễn, Hữu quy hoàn, Tả quy hoàn, Hữu quy ẩm, Tả quy ẩm, Huyền vũ đậu…

Cuối thời Minh, Khởi Thạch đã lĩnh hội được rất nhiều kinh nghiêm trong việc vận dụng bổ pháp để điều trị chứng hư lao. Trong quyển 2 của trước tác Lí hư nguyên giám, ông đã đưa ra thuyết “lý hư tam bản” và “lý hư nhị thống”.

Thời Thanh, bổ pháp phát triển rất mạnh, trong đó Diệp Thiên Sĩ và Ngô Cúc Thông là hai đại biểu tiêu biểu của trường phái ôn bệnh. Về bổ pháp, đối với lý luận, trị pháp và phương dược trong điều trị hư chứng hình thành sau bệnh lý sốt cao có những sáng kiến mới. Họ cho rằng ôn nhiệt tà rất dễ làm tổn thương âm phận, thiêu đốt tân dịch, vì thế nên dùng nhiều các vị thuốc tăng dịch, sinh tân, nhu nhuận, dưỡng âm để chữa trị và đã sáng chế ra một số phương thuốc như Ích vị thang, Sa sâm mạch đông thang, Nhất giáp - Nhị giáp - Tam giáp phục mạch thang, Đại - Tiểu định phong châu thang…giúp bổ pháp có một bước tiến mới.

Ở Việt nam, các y gia đời xưa cũng đã bàn đến bổ pháp với những kiến giải rất sâu sắc. Ví như, Hải Thượng Lãn Ông Lê Hữu Trác trong Hải Thượng y tông tâm lĩnh đã viết : “Tà sở dĩ phạm vào được tất do chính hư. Phàm bệnh, hoặc ở biểu hoặc ở lý, chứng trạng tuy đã biểu hiện mà thấy mạch hư, sức yếu ; hoặc sau khi ốm nặng mới khỏi, chưa bao lâu đã mắc lại ; với những người già, đàn bà mới đẻ và trẻ em...tuyệt đối không thể dùng phương pháp “phát” và “công”, chỉ lấy điều bổ làm phương châm, chữa ngay từ gốc”. Và Ông đã đưa ra khái niệm “tiếp bổ” với những lý luận mới : “Về phương pháp tiếp bổ để đối phó với các chứng âm dương đều sắp mất, các tình thế “thoát” đã tới nơi, kíp dùng những phương thuốc đại bổ, nhưng bổ rồi cần phải tiếp, đừng để gián đoạn, làm sao cho âm dương luôn giằng giữ lẫn nhau để đi đến hiện tượng “quân bình kín đáo” mới mong vãn hồi được. Hai chữ “bổ, tiếp” có ý nghĩa rất hay, nó là một then chốt để chữa các bệnh nguy, trong các phương thư chưa từng nói rõ”. Ông cũng đã sáng chế ra nhiều phương thuốc bổ độc đáo như Tân chế Bổ âm liễm dương an thần phương, Tân chế Hậu thiên lục vị thang, Tân chế Hậu thiên bát vị thang...

2. Bổ pháp và phương dược thường dùng

Thông thường mà nói, bổ pháp chủ yếu được dùng để trị hư chứng, nhưng trong hư chứng lại có chứng hư của ngũ tạng lục phủ, trong đó lại phân thành các chứng hư cụ thể như tâm khí hư, tâm huyết hư, thận dương hư, thận âm hư…Cho nên, khi dùng bổ pháp, nhất định phải căn cứ vào nguyên tắc biện chứng luận trị, phân tích cụ thể, làm rõ chứng hậu, từ đó lựa chọn phương dược phù hợp mới có thể đạt được hiệu quả như mong muốn, tuyệt đối không dùng thuốc một cách rập khuôn máy móc. Dưới đây trình bày một số bổ pháp và phương dược thường dùng :

2.1 Bổ tâm pháp, dùng trong chứng tâm hư. Chứng tâm hư lại phân thành : (1) Tâm khí hư : tinh thần thường mệt mỏi, thích ngủ, hay hốt hoảng, khó thở, dễ sợ hãi, tự hãn, mạch hư nhược...(2) Tâm huyết hư : tim đập nhanh, mất ngủ, giảm trí nhớ, dễ hoảng sợ lo lắng, hư phiền đạo hãn, chất lưỡi hồng, mạch tế...(3) Tâm dương hư : thường gặp ngực chướng đau, thích ấm sợ lạnh, hay hoảng hốt, khó thở, tâm quý, không thể nằm ngửa…

Bổ tâm khí thường dùng các vị thuốc như ngũ vị tử, nhân sâm, phục thần, viễn trí, thạch xương bồ...Các bài thuốc thường dùng là Ích vinh thang, Viễn trí bổ tâm thang, Định trí hoàn...Bổ tâm huyết thường dùng các vị thuốc đương quy, đan sâm, địa hoàng, bá tử nhân, toan táo nhân, nhũ hương, một dược (hai vị thuốc sau là khứ ứ sinh tân, lấy thông làm bổ)...Các bài thuốc thường dùng là Bổ tâm đan, Dưỡng tâm thang, Bá tử dưỡng tâm hoàn...Bổ tâm dương thường dùng các vị thuốc như quế tâm, quế chi, giới bạch, tế tân, can khương...Các bài thuốc thường dùng là Chỉ thực giới bạch quế chi thang, Thiên kim tế tân tán, Qua lâu giới bạch bạch tửu thang, Tang tô quế linh thang (thích hợp với thể thuỷ khí phạm tâm)…

2.2 Bổ can pháp dùng trong can hư chứng. Trên lâm sàng hay gặp các thể: (1) Can âm huyết hư : hay hoa mắt chóng mặt, bồi hồi lo lắng, gân cơ co quắp, khó co duỗi, tay chân co giật, móng tay chân lồi lõm kém tươi sáng, kinh nguyệt lượng ít hoặc kéo dài hoặc mất kinh, mạch huyền tế…; nếu vì âm hư dẫn đến can dương vượng thường gặp đau nửa đầu, dễ cáu gắt, phiền táo, triều nhiệt, tai ù, mắt hoa, mạch huyền tế mà sác...(2) Kinh can hư hàn : bụng dưới thường lạnh và chướng đau, tinh hoàn co lại và đau rút, sán thống, mạch huyền trì…

Bổ can âm, dưỡng can huyết thường dùng các vị thuốc như bạch thược, đương quy, địa hoàng, hà thủ ô, a giao ; âm hư dương vượng dùng thêm sinh mẫu lệ, chân trâu mẫu, sinh thạch quyết...để tiềm nạp can dương. Các bài thuốc thường dùng là Kỷ cúc địa hoàng hoàn, Quy thược địa hoàng hoàn, Tam giáp phục mạch thang, Đại định phong châu, Chân trâu mẫu hoàn...Ôn can trừ hàn thường dùng các vị như ngô thù du, tiểu hồi hương, trầm hương, nhục quế, hồ lô ba, lệ chi hạch...Các bài thuốc thường dùng là Noãn can tiễn, Ngô thù du thang, Gia vị quất hạch hoàn...Vì can thận có quan hệ “đồng nguyên” cho nên khi bổ can thường kết hợp với bổ thận.

2.3 Bổ tỳ pháp, dùng trong tỳ hư chứng. Tỳ là gốc của hậu thiên, chủ vận hoá thuỷ cốc tinh vi, sinh hoá khí huyết, thăng phát thanh dương để vinh dưỡng toàn thân. Tỳ hư chứng phân thành bốn thể : (1) Tỳ khí hư : hay rối loạn tiêu hoá, chán ăn, bụng chướng, đại tiện lỏng, tứ chi mệt mỏi, mặt sắc nhợt mà kém tươi, rêu lưỡi trắng, mạch nhược...(2) Tỳ dương hư : ngoài những biểu hiện của tỳ khí hư còn có thêm các triệu chứng như bụng đau thích ấm, đại tiện lỏng nước, tứ chi lạnh, mạch trì...(3) Tỳ âm hư : tỳ và vị tương quan biểu lý, cho nên tỳ âm hư thường gặp đi kèm với vị âm hư. Thường phát sinh sau khi mắc các bệnh lý cấp tính như sốt cao, nôn nhiều, đi ngoài nhiều. Biểu hiện chủ yếu là khát nhiều nhanh đói, sôi bụng, miệng khô lưỡi táo, đại tiện khô sáp, lưỡi đỏ gầy, rêu lưỡi khô bong, mạch tế...(4) Trung khí hạ hãm : tỳ là nguồn của sinh hóa hậu thiên, tỳ khí còn gọi là trung khí. Tỳ hư trung khí hạ hãm thường thấy bụng trệ, thoát giang, sa phủ tạng, đi lỏng lâu ngày khó chữa, băng huyết không cầm …

Bổ tỳ khí thường dùng các vị thuốc như đảng sâm, nhân sâm, thái tử sâm, bạch truật, phục linh, cam thảo, sơn dược, khiếm thực...Các bài thuốc thường dùng là Kiện tỳ ích khí thang (gốc là Tứ quân tử thang), Ngũ vị dị công tán, Sâm linh bạch truật tán…Ôn bổ tỳ dương thường dùng các vị thuốc như can khương, ngô thù, cao lương khương, phụ tử...các bài thuốc thường dùng là Phụ tử lý trung thang, Lương phụ hoàn, Quế phác thang...Trị liệu tỳ âm hư thường bắt đầu từ dưỡng vị âm, các vị thuốc thường dùng như mạch môn, ngọc trúc, thạch hộc, thiên hoa phấn, sữa tươi, đường phèn…Các bài thuốc hay dùng là Ích vị thang, Ngũ chấp ẩm, Ngọc tuyền hoàn, Nhu tỳ thang...Trị trung khí hạ hãm, dựa trên cơ sở bổ tỳ khí phối hợp dùng các thuốc thăng dương ích khí như chích hoàng kỳ, thăng ma, cát căn, sài hồ. Bài thuốc thường dùng là Bổ trung ích khí thang, Thăng dương bổ khí thang, Cử nguyên tiễn…

2.4 Bổ phế pháp, dùng trong phế hư chứng. Phế hư chứng gồm hai thể: (1) Phế khí hư : biểu hiện chủ yếu là khí đoản, khó thở, nói nhỏ, ngại nói, hoặc ho lâu ngày đờm trắng loãng, mạch hư nhược...(2) Phế âm hư : biểu hiện chủ yếu là miệng họng khô táo, ho khan không đờm, hoặc đờm có ít dây máu, khàn giọng, bì mao khô rụng, sốt nhẹ về chiều, mạch tế sác…

Bổ phế khí thường dùng các thuốc như hoàng kỳ, nhân sâm, đảng sâm, ngũ vị tử, tắc kè...Các bài thuốc hay dùng là Nhân sâm cáp giới tán, Bổ phế thang, Ngũ vị tử thang...Bổ phế âm thường dùng các vị thuốc có tính cam lương sinh tân, nhuận táo nhu dưỡng như mạch môn, thiên môn, sa sâm, bách hợp, thạch hộc, thiên hoa phấn, ngẫu chấp, lê chấp, a giao...Các bài thuốc thường dùng là Bách hợp cố kim thang, Thanh táo cứu phế thang, Sa sâm mạch đông thang, Dưỡng âm thanh phế cao, Thu lê cao…

2.5 Bổ thận pháp, dùng trong thận hư chứng. Chứng thận hư phân thành ba thể : (1) Thận âm hư : biểu hiện chủ yếu là mộng tinh đạo hãn, phấn khích tính dục, tiểu tiện sẻn đỏ, đau lưng mỏi gối, ngũ tâm phiền nhiệt, miệng khô họng khát, khát nhiều về đêm, mạch huyền tế sác...; nếu thận âm hư mà hư hoả bốc lên, có thể có thêm hầu họng khô táo hoặc đau, đau răng, hoặc ho khan đờm ít…(2) Thận dương suy : biểu hiện chủ yếu là dương nuy hoạt tinh, tình dục giảm sút, ngại hoạt động ngại nói, mắt không muốn nhìn, tinh hoàn lạnh, tiểu trong nhiều lần, hoặc nhị tiện bất cấm, lưng mỏi sợ lạnh, ngũ canh tả, mạch xích hoãn nhược…(3) Âm dương lưỡng hư: lâm sàng thường gọi là thận hư. Biểu hiện chủ yếu lưng đau gối mỏi, di tinh, dương nuy, tảo tiết, cơ quan sinh dục phát triển không đầy đủ, tinh hoàn chướng đau, răng mọc sớm hoặc rụng sớm hoặc lưng gù, mạch xích tế nhược …

Bổ thận âm thường dùng các vị thuốc như sinh thục địa, nữ trinh tử, huyền sâm, sa uyển tật lê, thạch hộc, quy bản, miết giáp, cao quy bản...Các bài thuốc thường dùng là Lục vị địa hoàng hoàn, Nhất âm tiễn, Tả quy hoàn, Tần giao miết giáp tán, Đại bổ âm hoàn...Bổ thận dương thường dùng các vị thuốc như phụ tử, nhục quế, tiên linh bì, bổ cốt chỉ, tiên mao, lộc nhung, thận hải cẩu, hoàng cẩu thận, hải mã, ba kích thiên, dương khởi thạch...Các bài thuốc thường dùng là Quế phụ địa hoàng hoàn, Hữu quy ẩm, Ôi thận tán …

Trị liệu thận âm dương lưỡng hư thường dùng các vị thuốc như tang ký sinh, xuyên tục đoạn, đỗ trọng, câu kỷ tử, sơn du nhục, thỏ ty tử, thục địa, sơn dược, lộc giác giao, hồ đào nhục, cẩu tích...Các bài thuốc thường dùng là Thanh nga hoàn, Đả lão nhi hoàn, Vô tỉ sơn dược hoàn, Kiện bộ hổ tiềm hoàn...Pháp bổ thận thường dùng kết hợp với pháp bổ can.

2.6 Pháp bổ tạng phủ kiêm bệnh và pháp bổ lục phủ. Trên lâm sàng có rất nhiều chứng bệnh, các chứng hậu thường không biểu hiện giới hạn ở 1 tạng, khi vận dụng bổ pháp nên chú ý. Ví như, Tâm phế khí hư, trị liệu nên bổ ích tâm phế, dùng Bảo nguyên thang gia giảm ; Tâm tỳ lưỡng hư, trị liệu nên bổ ích tâm tỳ, dùng bài Quy tỳ thang gia giảm ; Tỳ phế lưỡng hư, trị liệu nên bổ tỳ ích phế, dùng bài Sâm linh bạch truật thang gia giảm ; Phế thận âm hư, trị liệu nên tư bổ phế thận, dùng bài Mạch vị địa hoàng hoàn gia giảm ; Can thận âm hư, trị liệu nên tư bổ can thận, dùng bài Nhất quán tiễn gia giảm ; Tỳ thận dương hư, nếu chủ chứng là đi ngoài thì dùng Tứ thần hoàn, Phụ tử lý trung thang gia giảm, nếu chủ chứng là phù thũng, dùng Chân vũ thang, Thực tỳ ẩm gia giảm…Cho nên quá trình biện chứng luận trị chặt chẽ thì khi ra phương dược mới có thể phù hợp vớicơ chế bệnh sinh.

Phương pháp bổ lục phủ, thường thì đều bao gồm ngũ tạng tương quan biểu lý với lục phủ. Ví dụ pháp bổ vị âm sẽ bao gồm cả phép bổ tỳ âm, trong pháp bổ bàng quang cũng bao gồm bổ thận, không nhất nhất lặp lại, nhưng có phủ khi trị liệu lại cần gắn với đặc điểm của nó. Như đại trường dương hư thường là xuất hiện tiêu chảy, điều trị thường kết hợp kiện tỳ, bổ thận (thận chủ nhị tiện). Nhưng đại trường dương hư cũng có thể xuất hiện đại tiện táo, chủ yếu gặp ở người cao tuổi, đây là do dương hư sinh hàn, hàn khí ngưng trệ ở đại trường, sinh ra co bóp của đại trường kém gây nên, khi điều trị phải kết hợp với phương pháp bổ thận dương. Các vị thuốc thường dùng là nhục thung dung, đương quy, lưu hoàng, thục địa...Các bài thuốc thường dùng là Bán lưu hoàn...Như khi bàng quang và tiểu trường hư, đều có thể sinh ra tiểu tiện không tự chủ, di niệu...cũng phải kết hợp với pháp bổ thận.

3. Vận dụng lâm sàng của bổ pháp.

Các bổ pháp nói trên là dựa vào ngũ tạng lục phủ, âm dương khí huyết để phân loại. Nhưng cơ thể là một chỉnh thể hữu cơ, giữa ngũ tạng lục phủ, âm dương khí huyết đều có quan hệ tương hỗ, sự tương hỗ này có mối quan hệ mật thiết bên trong. Vì vậy, nguyên nhân của hư chứng, có thể là do một bộ phận cơ thể sinh bệnh dẫn đến, có thể là do chịu sự ảnh hưởng tác động của một mặt hoặc nhiều mặt khác nhau mà hình thành, có khi là một tạng độc lập có khi hai, ba tạng cùng bị bệnh. Cho nên, vận dụng pháp bổ pháp phải xuất phát từ quan niệm chỉnh thể, suy xét một cách toàn diện. Không những cần nắm chắc những mâu thuẫn chủ yếu và phương diện chủ yếu của mâu thuẫn đến chủ chứng, mà còn phải căn cứ vào mức độ nặng nhẹ, bệnh thế hoãn cấp, tính chất hàn nhiệt, phát sinh diễn biến và tiêu bản…của hư chứng, đưa ra biện nguyên tắc trị liệu thích đáng, không thái quá, không bất cập , không thiên lệch, không câu nệ cố chấp, nắm bắt một cách linh hoạt, mới có thể phát huy được ứng dụng trị liệu của bổ pháp. Tất cả vấn đề ứng dụng vào lâm sàng của bổ pháp, thông thường cần xem xét đến các phương diện sau :

3.1. Chính bổ

Thích hợp trong các chứng hư đơn thuần, như âm hư bổ hư, dương hư bổ dương, khí hư bổ khí, huyết hư bổ huyết, trong ngũ tạng tạng nào hư thì bổ tạng đó. Như phế hư thì ích phế, tâm hư thì hoà dưỡng vệ, tỳ hư thì bổ trung, can hư thì dưỡng huyết, thận hư thì ích tinh…đều là pháp chính bổ.

3.2 Tuấn bổ

Dùng trong tình trạng khí huyết hư thoát đột ngột. Đột nhiên khí thoát hoặc xuất huyết lớn, cơ thể bạo hư, mồ hôi ra như dầu, thân lạnh chi quyết, thở yếu, hôn mê mất thần, sắc mặt trắng như giấy, mạch vi tán muốn tuyệt, hoặc xuất huyết không ngừng, hoặc đại thổ đại tả..., nguyên khí có nguy cơ lập tức thoát vong. Lúc này cần dùng đại tễ tuấn bổ. Phương tễ cần dùng như dùng như Độc sâm thang, Sâm phụ thang, Kỳ phụ thang, Kỳ truật phụ thang, Đương quy bổ huyết thang...Cần dùng lượng lớn, dược lực mạnh, chọn thuốc cần tinh và chuyên.

3.3. Hoãn bổ

Dùng trong chứng chính khí đã hư lại nhiễm một số tà khí, hoặc thể chất có hư mà không được bổ, thì phải dùng hoãn bổ pháp. Trong pháp bổ này, việc lựa chọn các vị chọn thuốc và phương thuốc phải thong dong hoà hoãn, dần dần từng bước khôi phục sức khoẻ. Không thể cấp tốc dùng các loại sâm kỳ, lộc nhung. Thông thường hay dùng các vị thuốc như thái tử sâm, sinh truật, hoàng tinh, ngọc trúc (ích khí bình bổ tỳ vị), mạch nha, cốc nha (tỉnh tỳ khai vị trợ tiêu hoá), thập đại công lao diệp (hoãn bổ khí huyết), mạch nha (hoà trung ích vị), quất bạch (hành khí hoà trung không gây táo)…dược lực hoà hoãn, không hàn không táo, bổ nhưng không tụ, hành nhưng không tán, tuỳ chứng mà dùng thuốc.

3.4. Tư bổ

Dùng trong trường hợp tinh huyết tổn thương nhiều, âm hư lao lực, bệnh lâu âm kiệt, âm dịch mất nhiều sau nhiệt bệnh. Pháp tư bổ là dùng các vị thuốc dưỡng âm có vị nồng đậm, hoặc các loại thịt vị nồng đậm để tư bổ tinh huyết, bổ sung tuỷ dịch, là sự vận dụng tuân theo nguyên tắc “ tinh bất túc giả, bổ chi dĩ vị”. Trên lâm sàng, dựa trên cơ sở biện chứng luận trị, dùng các vị như quy bản, miết giáp, sinh thục địa, tuỷ sống lợn, tuỷ bò, thịt dê, tử hà xa, móng lợn, chân giò…tuỳ chứng mà gia giảm. Do những vị thuốc này dễ gây ảnh hưởng đến sự vận hoá của tỳ vị, tỳ vị mà hư suy thì bổ sẽ không hiệu quả, cho nên cần đồng thời kết hợp với các vị kiện tỳ khai vị như bạch truật, phục linh, đảng sâm, trần bì, mạch nha, thần khúc, sơn tra, sa nhân, cốc nha…

3.5. Ôn bổ

Dùng với các chứng hư hàn, hoặc khí huyết lưỡng hư, cơ thể mệt mỏi không có hiện tượng nhiệt. Thường dùng các vị thuốc ôn bổ như hoàng kỳ, đảng sâm, thục địa, đương quy, nhục dung, phụ tử, nhục quế, ba kích thiên, thịt dê, thịt chó...Các bài thuốc thường dùng là Phụ tử lý trung thang, Đương quy dương nhục thang, Bát trân thang, Thập toàn đại bổ thang…

3.6. Lương bổ

Dùng với các chứng hư nhiệt, như huyết hư nhiệt, hoặc sau khi sốt mà âm dịch hao tổn nhưng nhiệt tà vẫn chưa hết thì cần phải dùng pháp lương bổ. Các vị thuốc thường dùng sinh địa, bạch thược, huyền sâm, thiên môn đông, mạch môn đông, sa sâm, bách hợp...Các bài thuốc thường dùng là Dưỡng âm thanh phế cao, Nhị đông cao, Ích vị thang, Bổ tâm đan...Nếu chính khí đã hư, nhưng vẫn còn nhiệt tà thì phải dùng thêm một số vị thanh nhiệt như trúc nhự, tri mẫu, bạch vi, thanh hao, địa cốt bì, hoàng kỳ, hoàng bá, đan bì..., còn được gọi là thanh bổ pháp, các bài thuốc thường dùng như Chua sa an thần hoàn, Trúc nhự thạch cao thang, Nhân sâm bạch hổ thang...

3.7. Bổ gián tiếp

Đây là phương pháp chủ yếu dựa trên sự liên quan giữa tạng phủ về biến đổi sinh lý bệnh lý để thực hiện bổ pháp. Ví như, tỳ dương hư suy, tỳ mất kiện vận mà dùng phương pháp bổ thận dương để trị. Vì thận dương trợ tỳ dương ôn hoá chưng cất, bổ thận dương tức là giáp tiếp bổ tỳ dương. Trường hợp can kinh âm huyết bất túc dẫn đến âm hư dương vượng, chóng mặt hoa mắt, đau nặng đầu, thượng thực hạ hư, dùng phương pháp bổ thận âm để điều trị, vì can thận có mối quan hệ đồng nguyên, tinh huyết có thể chuyển hoá cho nhau, bổ thận âm có thể trợ sinh can âm huyết, can thận âm huyết sung túc thì can dương không thể vượng.

3.8. Bổ khí để sinh huyết, dưỡng huyết để hoá khí

Do khí là động lực sinh huyết, huyết là cơ sở vật chất hoá khí. Cho nên khi huyết hư phải kiêm bổ khí, khí hư thì kiêm dưỡng huyết. Thường dùng bài thuốc như Đương quy bổ huyết thang, Nhân sâm dưỡng vinh thang, Quy tỳ thang…

3.9. Bổ tiên thiên và bổ hậu thiên

Có người nói thận là gốc của tiên thiên, thận dương có tác dụng ôn hoá chưng cất trung tiêu, giúp tỳ dương vận hoá thuỷ cốc, thăng phát dương khí, cho nên “bổ tỳ bất như bổ thận”. Cũng có người nói tỳ là nguồn gốc của hậu thiên, tỳ vận hoá tinh hoa ngũ cốc, hậu thiên sung túc, nhưng có thể dinh dưỡng toàn thân, đồng thời tinh hoa cũng có thể đi vào thận sinh dưỡng thận tinh, cho nên nói “bổ thận bất như bổ tỳ”. Hai cách nói này có phần sai lệch, nên cần phải xem nếu thận hư mà tỳ không hư thì lấy bổ thận làm chủ, nếu tỳ hư mà thận không hư thì lấy bổ tỳ làm chủ, tỳ thận lưỡng hư thì tỳ thận đồng bổ. Cũng phải xem xét sự nặng nhẹ, hoặc bổ thận kiêm cố tỳ, hoặc bổ tỳ kiêm cố thận cho thích hợp.

3.10. Thực bổ

Trong bổ pháp có không ít các phương thuốc kết hợp giữa dược bổ và thực bổ, ví như phương thang Tứ ô tặc cốt xuyến như hoàn trong sách Nội kinh là phương thuốc kết hợp giữa các vị thuốc trị bệnh và thực bổ, hay như bài thuốc Đương quy sinh khương dương nhục thang, Tiểu kiến trung thang của Trương Trọng Cảnh cũng vậy. Các thầy thuốc đời sau đã có nhiều đóng góp cho sự kết hợp này, ví như Mạnh Sân, đời Đường với sách Thực liệu bản thảo, Hốt Tư Tuệ, đời Nguyên với Ẩm thiện chính yếu, Vương Mạnh Anh, đời Thanh với Tuỳ tức cư ẩm thực phổ… đều là các tác phẩm giới thiệu chủ yếu về thực liệu dược vật, trong đó rất nhiều nội dung liên quan đến thực bổ, rất hữu ích cho việc tham khảo khi vận dụng bổ pháp trên lâm sàng.

4.Một số vấn đề cần chú ý khi sử dụng bổ pháp.

Bổ pháp nếu sử dụng thích hợp sẽ điều trị khỏi bệnh, nhưng nếu sử dụng bất hợp lý có thể làm bệnh tình nặng thêm, thậm chí có thể dẫn đến tử vong. Cho nên khi sử dụng bổ pháp cần chú ý một số điểm sau đây :

4.1. Không nên bổ mà bổ

Nếu gặp chứng hậu “chân thực” mà “giả hư”, tức là “đại thực hữu luy trạng”, là vì tà khí quá mạnh, chính khí nhất thời bị ghìm xuống mà biểu hiện ra bằng các chứng trạng như tinh thần mỏi mệt uể oải, không muốn hoạt động, ăn ít...dường như là hư chứng, thì tuyệt đối không được dùng bổ pháp. Không đáng bổ mà bổ tất sẽ ảnh hưởng đến sinh mệnh, trên lấm sàng cần hết sức lưu ý.

4.2. Nên bổ mà không bổ

Khi gặp chứng hậu “chân hư” mà “giả thực”, thường gọi là “chí hư hữu thịnh hậu”, đó là lúc hư đến cực điểm mà bỗng nhiên xuất hiện các triệu chứng phiền táo bất an, động tác hữu lực, thần chí đột nhiên tỉnh táo, nói nhiều...dường như là thực chứng, nếu lúc này nên bổ nhưng không bổ thì bệnh tình sẽ không thuyên giảm, nếu dùng tả pháp thì sẽ là một sai lầm rất lớn.

4.3. Cần chú ý khi kê đơn và phối hợp thuốc

Không hiếm khi để bổ pháp phát huy tác dụng cao nhất lại nên dùng phối hợp với một số thuốc khu tà. Khi bổ huyết cần dùng thêm một số vị thuốc hành khí thì bổ huyết mới đạt được hiệu quả cao ; khi bổ khí cần dùng thêm một số thuốc hành khí thì công năng bổ khí mới phát huy cao nhất...Ví như, trong bài Bổ trung ích khí thang dùng sâm, kỳ kết hợp với trần bì ; Lục vị địa hoàng hoàn dùng thục địa lại gia thêm trạch tả ; Tứ vật thang dùng quy, thược lại dùng thêm xuyên khung. Một số phương thang khác như Sâm tô ẩm (bổ tán kiêm dùng), Chỉ truật hoàn (bổ tiêu kiêm dùng), Sâm liên ẩm và Nhân sâm bạch hổ thang (ổ thanh kiêm dùng)…Đó là một số ví dụ điển hình về phép phù chính khu tà kiêm dụng. Nếu dùng bổ pháp mà không chú ý đến thành phần của bài thuốc và phối ngũ giữa các vị thuốc (lập phương phối dược) thì sẽ khó mà đạt được kết quả như mong muốn.

4.4. Cần chú ý điều lý tỳ vị

Các vị thuốc bổ thường thông qua sự vận hoá của tỳ vị mới phát huy tác dụng, nếu không chú ý đến điều lý tỳ vị, thuốc được hấp thu và vận hoá không tốt thì khó mà đạt được hiệu quả bổ hư. Cho nên khi kê đơn bổ pháp thì nhất thiết phải chú ý đến việc điều lý tỳ vị. Ví như, dùng thục địa lâu ngày phải dùng cùng sa nhân, dùng sinh địa lâu nên phối hợp với trần bì và thương truật, dùng sơn dược lâu nên phối hợp với mộc hương. Phương thang Ngũ vị dĩ công tán gia trần bì, Từ chu hoàn gia thần khúc...là những ví dụ điển hình về việc điều lý tỳ vị trong bổ pháp.

4.5. Không nên lạm dụng bổ pháp

Thuốc bổ chủ yếu dùng để điều trị chứng hư. Nếu không phải hư chứng thì không nên dùng bổ pháp. Nhưng, trên thực tế, có một số thầy thuốc rất thích dùng bổ pháp trong khi chưa biện chứng luận trị rõ ràng. Cũng có không ít bệnh nhân rất sính dùng thuốc bổ, người ta tìm kiếm khắp nơi để mua thuốc bổ, đến khám bệnh là yêu cầu uống thuốc bổ. Tất cả những ngộ nhận đó sẽ ảnh hưởng không tốt đến bệnh tình lại vừa lãng phí không cần thiết, thậm chí đưa người ta vào tình trạng “tiền mất tật mang”.

4.6. Cần chú ý “khu tà” cũng có thể “phù chính”

Các phương pháp bồi bổ nêu trên đều rất thông dụng trên lâm sàng để trị liệu hư chứng. Nhưng cũng cần phải chú ý là : tà và chính đấu tranh tương đối kịch liệt, lúc này để bảo vệ chính khí, phải bài trừ tà khí để đạt được mục đích “khu tà dĩ phù chính”, “tà khứ tắc chính an”. Cũng có thể dùng phương pháp “dĩ tả vi bổ”, “dĩ thông vi bổ”...Ví như, âm dương kết nhiệt chứng, cấp phải dùng Đại thừa khí thang (chỉ thực, hậu phác, mang tiêu, đại hoàng) công tả tà nhiệt để bảo tồn âm, tân, chính khí, làm tà khứ mà chính khôi phục ; với hung tý tâm thống, dùng nhũ hương, một dược, hồng hoa, tam thất...để hoạt huyết khứ ứ, hết ứ thì huyết hành, huyết sinh thì tâm dương hồi phục...đó chính là phương pháp “tả trung ngụ bổ”, “thông trung hữu bổ”. Cho nên khi dùng bổ pháp tuyệt đối không được cứng nhắc và máy móc mà nên suy xét một cách toàn diện.

ThS Hoàng Khánh Toàn

Bình luận của bạn

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806