Phương pháp cấy chỉ Y học cổ truyền

Đăng bởi Thạc sỹ, bác sỹ Tôn Mạnh Cường | 22/12/2022 | 0 bình luận

 

Cấy chỉ trong YHCT (còn gọi là luồn chỉ, chôn chỉ, vùi chỉ, xuyên chỉ, thắt buộc chỉ, nhu châm) là một phương pháp châm cứu mới, kết hợp giữa y học cổ truyền và y học hiện đại, dùng chỉ phẫu thuật cấy vào trong các huyệt vị châm cứu tạo nên sự kích thích liên tục và lâu dài nhằm đạt mục đích phòng và chữa bệnh tật, nâng cao sức khỏe cho con người. Theo các nhà châm cứu Trung Quốc phương pháp cấy chỉ Đông y (còn gọi là Huyệt vị xuyên tuyến, Mai tuyến, Kết trác liệu pháp) là kết quả của sự tổng hợp giữa liệu pháp châm kích, liệu pháp thích máu, liệu pháp nhu mô và liệu pháp cắt trị. Nó được sử dụng để điều trị một số bệnh mạn tính và bệnh nan y.

1. Sơ lược lịch sử

Phương pháp cấy chỉ Đông y được biết sớm nhất ở Trung Quốc từ thời cổ xưa với tên gọi liệu pháp Chôn trong Đông y, khi đó người ta dùng lông đuôi ngựa hoặc sợi cây cọ cấy vào trong huyệt vị để duy trì thời gian kích thích, nâng cao hiệu quả trị liệu, phương pháp thao tác tương tự như châm cứu, nhưng đã có sự tìm tòi sáng tạo, song thời đó vẫn chưa phổ biến.Vào đầu những năm 60 của thế kỷ 20, tại Đồng nhân Đông Tây y Thạch Nha Trang thuộc tỉnh Hồ Bắc Trung Quốc trên cơ sở thừa kế và cải tiến phương pháp Bì nội châm hay còn gọi là châm lưu kim dưới da đã sáng tạo ra phương pháp cấy chỉ catgut. Phương pháp này thời kỳ đầu được Quân y Quân giải phóng Trung quốc sử dụng để điều trị bệnh hen suyễn. Đến nay, tại Trung Quốc sau hơn nửa thế kỷ nghiên cứu phát triển phạm vi điều trị của phương pháp cấy chỉ Đông y đã mở rộng với hơn 300 loại chứng bệnh, gần đạt đến phạm vi trị liệu của châm cứu là 468 loại. Hiện nay, ngoài Trung Quốc liệu pháp này đã được áp dụng và phát triển tại nhiều quốc gia như Việt Nam, Ấn Độ, Myanmar, Singapore, Malaysia, Hungary, Pháp, Nga, Ba lan, Mỹ, Ukraina, Đức v.v…

Ở Việt Nam, phương pháp cấy chỉ đã được nghiên cứu ứng dụng trên lâm sàng từ những năm 70 của thế kỷ 20. Từ năm 1970 tại Viện Quân y 108 phương pháp cấy chỉ bắt đầu được bác sĩ Bành Khừu nghiên cứu điều trị một số loại bệnh. Ở tỉnh Sông Bé, Vương Sanh và Lê Hưng thuộc Câu lạc bộ khoa học châm cứu bắt đầu áp dụng cấy chỉ gọi là Nhu châm để chữ trị cho hàng nghìn lượt bệnh nhân bao gồm nhiều chứng bệnh như: đau thắt lưng, đau thần kinh tọa, viêm phế quản, hen phế quản, viêm loét dạ dày, mất ngủ, phong tê thấp đạt hiệu quả tốt. Năm 1971, Bệnh viện Y học cổ truyền Trung ương nghiên cứu áp dụng cấy chỉ chữa bệnh loét dạ dày tá tràng. Đến năm 1980, bác sĩ Nguyễn Xuân Triều và bác sĩ Chu Quốc Trường (Viện quân y 103) đã tiến hành nghiên cứu cấy chỉ điều trị hen phế quản và viêm mũi dị ứng thấy có tác dụng tốt. Vào năm 1982, Viện Châm cứu Trung ương thực hiện cấy chỉ cho những trẻ em bị bại liệt và tại Đại học Quân y, Quách Tuấn Vinh nghiên cứu cấy chỉ điều trị thành công hen phế quản, viêm loét dạ dày tá tràng và hội chứng cổ vai.

Từ năm 1983- 1988, bác sĩ Lê Thúy Oanh (tại Viện Quân y 91 và Phòng quân y Tổng cục chính trị)) áp dụng cấy chỉ điều trị cho các bệnh nhân hen phế quản, viêm đường hô hấp, chân tay tê bì đau nhức, đau quanh khớp vai, các dạng liệt, các bệnh dị ứng, di chứng câm điếc, lác và động kinh ở trẻ em. Đến năm 1990, tại Hội điều trị bằng các phương pháp tự nhiên (Budapest-Hungari), Viện châm cứu và phục hồi chức năng Yamamoto Budapest, Viện nuôi dưỡng và phục hồi chức năng trẻ em Debrecen… bác sĩ Lê Thúy Oanh đã đem phương pháp cấy chỉ điều trị trên 20 thể bệnh đạt hiệu quả điều trị cao cho hàng ngàn bệnh nhân Hungary và các bệnh nhân đến từ các nước Nam Tư, Pháp, Đức, Bỉ, Tây Ban Nha, Mỹ, Ý…Trong năm này, ở Đại học y Hà Nội, Phạm Thị Hòa Mỹ nghiên cứu cấy chỉ điều trị các bệnh nhân bị hen phế quản ngoại lai đạt kết quả tốt, còn những bệnh nhân hen nội sinh không có kết quả. Năm 1996, Bệnh viện Y học dân tộc Hà Nội ứng dụng cấy chỉ cho bệnh nhân bại liệt…

2. Cơ chế tác dụng của cấy chỉ

Theo lý luận của Y học cổ truyền phương Đông: dựa trên các học thuyết Âm dương ngũ hành, tạng tượng, kinh lạc…Đông y cho rằng bệnh tật phát sinh là do các nguyên nhân: nội nhân ( thất tình, khí hư, khí trệ, huyết hư, huyết ứ), ngoại nhân (lục dâm, ôn dịch) và bất nội ngoại nhân (ẩm thực, trật đả, trùng thú cắn) làm rối loạn công năng các tạng phủ, làm mất cân bằng âm dương, làm tắc trở kinh mạch, làm khí trệ huyết ứ. Cấy chỉ là một phương pháp châm cứu đặc biệt có tác dụng điều khí làm cho khí huyết lưu thông, điều hòa công năng các tạng phủ, lập lại cân bằng âm dương đẩy lui bệnh tật.

Theo các tác giả Trung Quốc phương pháp cấy chỉ là sản phẩm kết hợp của châm cứu và y học hiện đại. Tổng thể quá trình thao tác của liệu pháp này, trên thực tế sẽ tạo ra 2 hiệu ứng gồm hiệu ứng kích thích vật lý và hiệu ứng kích thích hóa học, mà hiệu ứng kích thích vật lý lại bao gồm hiệu quả phong bế huyệt vị, châm cứu, chích máu và cấy chỉ; còn hiệu ứng kích thích hóa học thì bao gồm hiệu quả tác dụng hậu chấn thương và điều trị mô. Cụ thể như sau :

* Hiệu quả kích thích vật lý bao gồm :

+ Hiệu quả phong bế huyệt vị : Trong thời kỳ đầu của phương pháp, trước khi châm kim cấy chỉ phải tiêm thuốc gây tê tại huyệt vị, bộ phận tác động là da. Theo học thuyết Kinh lạc, Tạng tượng hệ thống các huyệt vị trên da thông qua kinh lạc có mối liên hệ chặt chẽ với hoạt động của lục phủ, ngũ tạng, nên khi gây tê cục bộ sẽ tạo ra kích thích xung động từ da (huyệt vị) truyền theo lạc mạch và kinh mạch tới tạng phủ, có tác dụng điều chỉnh công năng tạng phủ, điều hòa khí huyết, cân bằng âm dương. Tín hiệu đau sinh ra khi mũi kim đâm vào da và đưa thuốc vào truyền tới trung khu thần kinh ở tủy sống tương ứng, sẽ ức chế tín hiệu bệnh lý cơ quan mắc bệnh. Do loại phản ứng này là phản ứng tiết đoạn của tủy sống chứ không phải của não bộ, nên thời đoạn của loại ức chế này rất ngắn, vì vậy, đau do gây tê cục bộ vừa sinh ra sẽ làm cơn đau bệnh lập tức giảm dần, nhưng hiệu quả không kéo dài lâu. Sau khi thuốc tê ngấm 1-3 phút có thể ngăn truyền dẫn thần kinh của bộ phận mắc bệnh tới trung khu thần kinh, từ đó giúp hệ thống thần kinh được nghỉ ngơi và hồi phục, dần dần khôi phục hoạt động chức năng bình thường. Đồng thời sau gây tê cục bộ, hoạt động của cơ quan mô cục bộ huyệt vị tăng mạnh, huyết quản mở ra, thúc đẩy tuần hoàn máu và bạch huyết, tăng mạnh khả năng bài tiết cục bộ, cải thiện tình trạng dinh dưỡng. Những phản ứng đặc biệt này thông qua hệ kinh lạc và hệ thần kinh-thể dịch tác dụng tới bộ phận mắc bệnh tương ứng, giúp bộ phận này được cải thiện và điều chỉnh. Vì thế trên lâm sàng thường có hiện tượng giảm đau phần da khi gây tê cục bộ và sau đó làm cho cơn đau nội tạng cũng nhanh chóng giảm dần và biến mất.

+ Hiệu quả châm cứu : Hiệu quả này là do dụng cụ châm và chỉ catgut. Sau khi châm cấy chỉ vào huyệt vị, thông qua thủ pháp kích thích sẽ gây ra các hiệu quả : Thân kim càng thô, thì độ kích thích càng mạnh, sẽ nhanh chóng ức chế thông tin bệnh lý. Đồng thời sợi chỉ cũng gây kích thích cơ giới liên tục sinh ra hiệu quả châm cứu lâu dài trong huyệt vị. Mặt khác cơ thể người là một sinh vật thể, y học hiện đại đã chứng minh cơ thể là một từ trường đa cực hóa, có hiện tượng điện sinh học. Kim châm cấy chỉ thô, diện tích tiếp xúc lớn, tương đối đa cực và dung lượng truyền dẫn lớn sẽ có tác dụng điều chỉnh tới cả cơ thể sinh học.

+ Hiệu quả cấy chỉ : Theo công thức: “Lượng kích thích = Thời gian kích thích x Cường độ kích thích”, sau khi cấy chỉ dụng cụ châm có tác dụng như châm cứu thông thường, nhưng sau đó dùng sợi chỉ catgut thay thế kim châm kích thích lâu dài huyệt vị, nâng cao chất lượng kích thích; trong thời gian này, sợi catgut trong cơ thể được nhuyễn hóa, phân giải, dịch hóa và hấp thu sẽ tạo ra các kích thích hóa sinh và lý sinh với cơ thể kéo dài tới 20 ngày hoặc hơn (tùy thuộc kích thước và chất liệu của sợi chỉ). Cơ quan mắc bệnh trong thời gian này nhờ các kích thích đó không ngừng được điều chỉnh và phục hồi, từ đó đạt hiệu quả trị liệu vượt trội hơn so với châm cứu thông thường.

+ Hiệu quả chích máu : Liệu pháp chích máu là một liệu pháp dùng kim châm phá lạc mạch, giải phóng lượng nhỏ máu để trị bệnh. Cấy chỉ khi thao tác thường sẽ chích phá huyết lạc chỗ huyệt châm, nơi đầu kim có xuất huyết hoặc thấm máu, có tác dụng chống co thắt mạch và tăng tưới máu vi tuần hoàn, từ đó cải thiện tình trạng thiếu máu, thiếu oxy cục bộ. Như vậy, khi cấy chỉ hiệu quả chích máu sẽ làm lưu thông khí huyết, điều hòa kinh lạc và khí huyết nên có tác dụng trị bệnh.

* Hiệu quả kích thích hóa học

+ Hiệu quả hậu tác dụng : Khi cấy chỉ, đầu kim châm sẽ gây ra tổn thương với cục bộ huyệt vị, các nhân tố hóa học do tế bào của mô bị tổn thương được giải phóng ra có thể tạo ổ viêm vô trùng và ảnh hưởng đến các hoạt động sinh lý của cơ thể. Mặt khác theo nguyên lý điện hóa sinh và áp điện học, ở khu vực tổn thương, cơ giới năng sẽ chuyển hóa thành nhiệt năng, làm huyết quản nhỏ mở ra, tuần hoàn bạch huyết tăng nhanh, làm tăng khả năng bài tiết, tạo mới của tế bào, vừa tăng cường cung cấp dinh dưỡng cục bộ, vừa đào thải các sản phẩm bệnh lý (làm giảm chất bradykinin gây đau đớn). Sự thay đổi cục bộ này thông qua tác dụng của hệ thần kinh và tuần hoàn thể dịch ảnh hưởng lên toàn thân. Do tác dụng này kéo dài sau cấy chỉ, nên có thể duy trì được hiệu quả kích thích hóa học để bộ phận nhiễm bệnh được điều chỉnh và khôi phục khỏi bệnh.

+ Hiệu quả điều trị mô : Điều trị mô là đưa một số mô dị chủng chôn vào huyệt vị, dùng phản ứng bài trừ của cơ thể với mô dị chủng, mà tạo kích thích sinh hóa với huyệt vị để trị bệnh. Phương pháp cấy chỉ đưa sợi catgut là protein dị chủng vào huyệt, sau khi cấy vào huyệt vị sẽ kích thích cơ thể tạo phản ứng miễn dịch. Các tế bào lympho mẫn cảm, cùng với với kháng thể và các đại thực bào trong dịch thể sẽ tập trung đến phân giải, dịch hóa sợi catgut, biến thành polypeptide, axit amin, cuối cùng hấp thu, đồng thời sinh ra các lymphokines. Các vật này tạo ra kích thích hóa sinh và lý sinh với huyệt vị, để mô cục bộ tạo ra phản ứng biến thái và viêm vô trùng, cho tới khi toàn thân phản ứng sẽ kích hoạt năng lực miễn dịch (điều tiết các globulin miễn dịch) của cơ thể, điều hòa chức năng cơ quan nội tạng liên quan nâng cao sức đề kháng của cơ thể có tác dụng trị bệnh.

Tóm lại, quá trình trị liệu của phương pháp cấy chỉ huyệt vị, ban đầu là kích thích cơ giới vật lý, tạo ra hiệu quả trong thời gian ngắn, sau là kích thích hóa học, có tác dụng điều trị lâu dài. Các loại phản ứng kích thích được dung hợp, hỗ trợ lẫn nhau, cùng phát huy tác dụng điều tiết tạng phủ, khí huyết dẫn đến hiệu quả trị liệu.

3. Chỉ định và chống chỉ định

3.1. Chỉ định

Qua hơn nửa thế kỷ nghiên cứu và thực nghiệm lâm sàng, ngày nay phương pháp cấy chỉ Đông y được chỉ định cho những chứng bệnh sau:

- Bệnh nội khoa: viêm phế quản, hen phế quản, bệnh tim mạch vành, tăng huyết áp, rối loạn thần kinh tim, chứng trào ngược thực quản, viêm dạ dày mạn tính, loét dạ dày tá tràng, thoát vị bẹn, viêm đại tràng mạn, táo bón, bí tiểu, tiểu không tự chủ, tiểu đường, giảm béo, viêm khớp phong thấp, đau đầu, đau dây thần kinh V, liệt dây thần kinh VII, liệt nửa người, động kinh, suy nhược thần kinh, tự kỷ, tâm thần phân liệt, đau cổ vai, đau thắt lưng do thoái hóa cột sống, thoái hóa khớp gối, thoát vị đĩa đệm cột sống cổ, thắt lưng, đau dây thần kinh liên sườn…

- Bệnh nam khoa: chứng bất lực, xuất tinh sớm, di tinh, viêm tuyến tiền liệt…

- Bệnh phụ khoa: kinh nguyệt không đều, tử cung xuất huyết chức năng, thống kinh, bế kinh, viêm tuyến vú, chứng tăng sản tuyến vú, viêm phần phụ…

- Bệnh nhi khoa: co giật, điếc, lác, rối loạn tiêu hóa, chán ăn, đái dầm…

- Bệnh da liễu: mụn nhọt, nổi mề đay, viêm da thần kinh, mụn trứng cá, ngứa ngáy bề mặt…

- Bệnh ngũ quan: chắp lẹo, cận thị, đục thể thủy tinh, sụp mi mắt, viêm mũi xoang dị ứng, viêm họng cấp mạn tính, viêm thanh quản, viêm amidal, ù tai…

3.2. Chống chỉ định:

Giống như châm cứu, cấy chỉ không có chống chỉ định tuyệt đối, nhưng do cấy chỉ có kim thô hơn châm cứu và đầu mũi kim cũng sắc hơn, nên khi thao tác cần thận trọng hơn, thường không đâm xoáy kim, đây cũng là điểm khác biệt với châm cứu. Những trường hợp sau cần phải chú ý:

- Người bệnh mệt mỏi nhiều, đang đói hoặc mới ăn no, đang sốt cao.

- Phụ nữ có thai không cấy chỉ vùng bụng và các huyệt hợp cốc, tam âm giao, phụ nữ có tiền sử lưu sản.

- Người có cơ địa dễ xuất huyết.

- Người có bệnh tim nặng (suy tim).

- Các huyệt Thần khuyết, Nhũ trung không thể cấy chỉ.

4. Thao tác kỹ thuật

4.1. Chuẩn bị dụng cụ

- Kim cấy chỉ : Theo đà phát triển của kỹ thuật công nghệ, kim cấy chỉ đã ngày càng được cải tiến để thuận tiện cho cả thầy thuốc và người bệnh. Ở Trung quốc các nhà châm cứu khi bắt đầu ứng dụng cấy chỉ (năm 1960) khi đó chưa có kim cấy chỉ chuyên dụng nên đã sử dụng kim khâu da (cây kim cong ba cạnh dùng trong phẫu thuật) gắn chỉ catgut vào đốc kim, rồi móc kim qua huyệt vị cần cấy chỉ.

Kim cấy chỉ cong ba cạnh

Năm 1969 quân y Lục kiện phát minh ra kim cấy chỉ Lục Thị (tức kim cấy chỉ 69 thức Lục Thị). Kim nhọn hình ba lăng trụ, phần dưới của hình ba lăng trụ có một móc khuyết để móc chỉ catgut.

Kim cấy chỉ 69 thức Lục Thị (Trung Quốc)

Gần đây các nhà châm cứu Trung Quốc đã cải tiến kim chọc dịch não tủy chế tạo thành kim cấy chỉ một lần.

Kim cấy chỉ 1 lần (Trung Quốc)

Tại Việt Nam, từ những năm 70 của thế kỷ 20 các châm cứu gia Thủ Dầu Một thuộc Câu lạc bộ châm cứu tỉnh Sông Bé đã đặc chế ra kim nhu châm có cấu trúc như kim chọc dò ống sống, gồm một xy lanh dài 10-14cm và một pittông cùng kích thước chiều dài. Đến năm 1982 Viện châm cứu cũng đã sử dụng kim có thông nòng to (như kim chọc dò ổ bụng trong ngoại khoa) dài từ 7-10cm, đường kính 2mm để cấy chỉ.

Kim cấy chỉ có thông nòng to

Nhược điểm của các loại kim trên là kích thước kim to, khi cấy chỉ sẽ rất đau, khó làm cho trẻ em, vì thế trước khi cấy chỉ phải gây tê cục bộ huyệt vị cần cấy chỉ bằng Lidocain hoặc Novocain và không thể cấy nhiều huyệt cho một bệnh nhân, mỗi lần thường chỉ cấy từ 4 - 6 huyệt. Lê Quý Ngưu bằng kinh nghiệm của mình đã sáng tạo sử dụng kim tiêm số 20 và dùng kim châm cứu cỡ Hoàn khiêu đã cắt bằng mũi nhọn làm nòng. Quách Tuấn Vinh từ năm 1982 đến nay đã có sáng kiến cải tiến từ sử dụng kim lấy thuốc số 20 đến sử dụng kim tiêm số 23 dùng một lần, chế thêm thông nòng làm kim cấy chỉ. Ưu điểm : kim nhỏ rất sắc, ít gây đau cho người bệnh, không cần gây tê Novocain trước khi cấy chỉ, không sợ phản ứng hoặc tác dụng phụ của thuốc, mỗi lần trị liệu có thể làm từ 30-60 huyệt, giá thành rẻ. Nhược điểm: kim có độ dài hạn chế nên chưa tốt cho cấy chỉ các huyệt ở vùng mông, bệnh nhân quá béo.

Kim cấy chỉ cải tiến (Quách Tuấn Vinh)

Lê Thúy Oanh từ năm 1989-1990 trên cơ sở cải tiến các loại kim chọc dò ổ bụng và kim truyền máu của Pháp, chế tạo ra kim cấy chỉ chuyên dụng. Kim có nhiều kích cỡ khác nhau dài từ 2-7cm, đường kính từ 0,5-1,2mm; Ưu điểm: khắc phục được các nhược điểm của các loại kim cấy chỉ đã nêu ở trên, đáp ứng tốt về tiêu chuẩn kỹ thuật với tất cả các đối tượng bệnh nhân, dễ sử dụng khi cấy chỉ. Nhược điểm: giá thành còn cao.

Kim cấy chỉ chuyên dụng (Lê Thúy Oanh)

- Chỉ catgut: Chỉ catgut là loại chỉ phẫu thuật tự tiêu dùng trong ngoại khoa đã được các nhà châm cứu Trung Quốc vào thập niên 60, 70 của thế kỷ XX nghiên cứu ứng dụng sáng tạo ra phương pháp cấy chỉ huyệt vị Đông y. Hiện nay chỉ catgut được dùng để cấy phổ biến là loại số 00, số 0, 4/0, số 1 và số 2. Có khi cũng chọn loại chỉ catgut số 000, số 3, số 4… Tùy theo loại kim cấy chỉ mà chọn số chỉ catgut cho phù hợp. Chỉ catgut được cắt thành các đoạn có chiều dài 0,3, 0,5, 1, 1,5, 2, 2,5, 3cm để cấy vào các huyệt vị khác nhau trên cơ thể.

- Dụng cụ khác: Dụng cụ khử trùng da: cồn Iot 1%, cồn Etylic 70­­o, bông gòn. Dụng cụ hỗ trợ: lọ thủy tinh nút mài (dùng đựng chỉ catgut đã được cắt đoạn theo kích thước cần thiết), panh Kocher không mấu, nỉa, găng tay vô trùng, khay quả đậu, kéo vô trùng để cắt chỉ, nồi hấp tiệt trùng dụng cụ, giường y tế, đệm, ga và gối.

4.2. Chuẩn bị bệnh nhân:

Giải thích cho bệnh nhân biết về phương pháp cấy chỉ để ổn định tư tưởng và phối hợp với thầy thuốc trong khi tiến hành cấy chỉ. Tư thế thông thường người bệnh nằm ngửa, nghiêng và sấp, ngồi vịn tay vào thành ghế tựu, thở đều, thả lỏng cơ toàn thân trong khi cấy chỉ. Bộc lộ áo, quần vùng cần cấy chỉ.

4.3. Quy trình cấy chỉ:

- Xác định và đánh dấu vị trí huyệt cần cấy chỉ trên cơ thể người bệnh.

- Khử trùng thông thường bằng cồn 70o (lấy điểm châm kim làm trung tâm để khử trùng).

- Người thày thuốc dùng ngón tay cái hoặc trỏ của bàn tay trái bấm vào vùng huyệt cần cấy chỉ, tay phải dùng 3 ngón tay cái, ngón trỏ và ngón đeo nhẫn cầm đốc kim đã luồn chỉ catgut châm kim nhanh qua da vào huyệt vị, tiến kim từ từ khi người bệnh có cảm giác tê tức thì dừng kim, đẩy thông nòng cho đoạn chỉ vào trong huyệt; rút kim ra nhanh và vô khuẩn lại chỗ cấy chỉ, dùng bông gòn ấn chặt để phòng chảy máu nhiều nơi châm kim.

Thạc sỹ, Bác sỹ Tôn Mạnh Cường chủ phòng khám Việt Y Đường 

* Những điều cần chú ý:

- Thao tác phải tuyệt đối vô trùng để phòng tránh nhiễm trùng tại huyệt cấy chỉ.

- Kỹ thuật bổ tả trong cấy chỉ khác với bổ tả trong châm cứu, không vê kim mà cũng không rung kim. Châm bổ: châm kim thuận theo đường kinh, người bệnh thở ra châm kim vào, khi hít vào rút kim ra. Châm tả:châm ngược với đường kinh, người bệnh hít vào châm kim, thở ra rút kim ra.

- Một, hai ngày sau khi cấy chỉ, thậm chí 4-5 ngày sau đó có thể đau tức khó chịu ở một vài vị trí cấy chỉ, triệu chứng này là bình thường, nghỉ ngơi sẽ hết. Nếu chỗ cấy chỉ sưng, nóng, đỏ đau nhiều, phát sốt cao hoặc toàn thân phát ngứa thì phải đến gặp bác sĩ điều trị để xử trí kịp thời.

- Sau khi cấy chỉ xong phải cho người bệnh nghỉ 30 phút, sau mới được rời đi để tránh phản ứng sau thủ thuật, nếu có bất thường sẽ kịp thời xử lý; trong vòng 6 giờ không được tiếp xúc với nước, phải tránh gió lạnh, ăn uống thanh đạm, kiêng rượu bia, thuốc lá, hải sản và các thực phẩm cay nóng gây kích ứng.

4.4. Liệu trình cấy chỉ:

Tùy theo bệnh tật, mức độ bệnh, khả năng chịu đựng và đáp ứng của người bệnh mà chọn liệu trình cho phù hợp để đem lại hiệu quả trị liệu tối ưu. Thông thường bệnh cấp tính hoặc bán cấp tính có thể tiến hành cấy chỉ 7-10 ngày 1 lần, 2-3 lần là 1 liệu trình; người bệnh mạn tính từ 15-30 ngày 1lần, 3-5 lần là 1 liệu trình. Đối với người bị bệnh rất nặng thì 10 lần là 1 liệu trình. Sau 1 liệu trình có thể nghỉ 1 thời gian nhất định, thông thường là thời gian của 1-2 lần cấy chỉ, ví dụ 15 ngày cấy chỉ 1 lần thì khoảng thời gian nghỉ giữa liệu trình là 15-30 ngày.

 

Tại Việt Y Đường cấy chỉ đã áp dụng trên 20 năm điều trị khỏi cho hàng nghìn lượt bệnh nhân liệt do di chứng thần kinh, hen phế quản, Đau lưng...

 

Tóm lại, phương pháp cấy chỉ huyệt vị là sự kết hợp của châm cứu học truyền thống và y học hiện đại. Mấy chục năm trở lại đây các loại bệnh được nghiên cứu trị liệu ngày càng rộng rãi, hiệu quả trị liệu cao, dần dần được các bác sĩ và bệnh nhân tiếp nhận. Tuy nhiên phương pháp cấy chỉ huyệt vị vẫn còn nhiều phương diện cần được tiếp tục nghiên cứu sâu rộng thêm các vấn đề sau:

+ Nghiên cứu cơ sở để hiểu rõ thêm dưới góc độ Đông y, Tây y và Đông Tây y kết hợp, cơ chế tác dụng của phương pháp cấy chỉ huyệt vị.

+ Nghiên cứu cấy chỉ trên lâm sàng cần được phát triển rộng rãi, xác định thêm các chỉ định, chống chỉ định; tiếp tục nghiên cứu cải tiến dụng cụ cấy chỉ và ngoài chỉ catgut cần nghiên cứu thêm các loại chỉ khác như chỉ tổng hợp, chỉ kim loại titan…chuẩn hóa phương pháp thao tác và quy trình cấy chỉ sao cho đạt hiệu quả tối ưu.

TÀI LIỆU THAM KHẢO

1. Lê Quý Ngưu - Châm cứu các phương pháp kết hợp. NXB Thuận Hóa – 1998. Trang 136-148.

2. Lê Thúy Oanh - Cấy chỉ. NXB Y học-Hà Nội-2000. Trang 159-164.

3. Nhậm Thụ Sâm - Liệu pháp cấy chỉ huyệt vị Đông y. NXB Trung y dược-Bắc Kinh.Trung Quốc-2011. Trang 1-28.

4. Nguyễn Tài Thu - Châm cứu chữa bệnh. NXB Y học-1991. Trang 5-7.

5. Hoàng Khánh Toàn - Bàn về phương pháp điều trị chôn chỉ tự tiêu vào huyệt vị châm cứu (bản viết tay). 1991.

https://www.vietyduong.net/
0911.806.806